Thu nhập bấp bênh, tài xế công nghệ "sống mòn" ở phố thị

Đã gần 40 tuổi nhưng anh Thành vẫn lẻ bóng. Là lao động ngoại tỉnh, ngoài tiền thuê nhà, anh còn phải dành một phần thu nhập để gửi về phụng dưỡng cha mẹ ở quê. Anh tâm sự, lo cho bản thân còn chưa xong, anh không dám lấy vợ, khi nào dư giả thì mới tính tiếp.

Giảm thu nhập khiến cuộc sống khốn khó

Anh Nguyễn Minh Thành quê ở tỉnh Bình Thuận, hiện đang thuê trọ tại quận 7, TP. HCM. Năm 2019, anh quyết định lên TP. HCM mưu sinh. Chưa từng làm việc trong nhà máy, cũng không biết phải tìm việc thế nào, nên anh quyết định chọn làm tài xế giao hàng qua ứng dụng.

Ban đầu, công việc khá thuận lợi với mức thu nhập ổn định từ 12 - 15 triệu đồng/tháng cho 10 - 11 giờ chạy xe mỗi ngày. Nhưng sau hơn 5 năm chạy xe, sức khỏe của anh Phúc giảm sút. Anh còn bị bệnh viêm xoang, thường xuyên khiến anh bị đau đầu. Hiện tại, anh phải giảm giờ chạy xe mỗi ngày, dẫn đến thu nhập chỉ còn khoảng 8 triệu đồng/tháng.

tai-xe-cong-nghe-1728002004.jpg
Nhiều tài xế công nghệ suy giảm sức khỏe sau vài năm làm việc cật lực

Anh Thành chia sẻ, có lần anh ngất xỉu và phải nhập viện. Do không có bảo hiểm y tế, anh phải tự chi trả viện phí, rất tốn kém. Từ đó, anh nhận thức rõ tầm quan trọng của sức khỏe và mua bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhưng vẫn chưa có khả năng tham gia BHXH tự nguyện.

Anh cũng nhận thấy, một số công ty vận chuyển hiện nay ký hợp đồng lao động và đóng BHXH cho tài xế, điều này vừa giúp tài xế gắn bó lâu dài với công việc vừa đảm bảo quyền lợi. Anh hy vọng, trong tương lai, tài xế công nghệ sẽ được công nhận là người lao động chính thức và hưởng các quyền lợi tương xứng, thay vì chỉ là đối tác, làm việc không có bảo đảm dài hạn về sức khỏe và thu nhập.

Chị Trần Thị Mỹ (quận 8) cũng có nhiều năm làm tài xế công nghệ qua nhiều ứng dụng. Chị cho biết, đơn vị chị đang làm hiện tại có chính sách tốt cho tài xế taxi, như trả lương cố định và tham gia bảo hiểm. Chị mong rằng, những chính sách này sẽ được mở rộng cho tài xế xe máy máy như chị.

Chị Mỹ bộc bạch, ở tuổi 45, sức khỏe ngày càng giảm sút. Trước đây, chị có thể chạy từ sáng đến khuya, nhưng giờ thì không còn đủ sức nữa. Chị rất muốn tham gia BHXH bắt buộc để có lương hưu sau này. Nhưng ở tuổi này, chuyển đổi nghề nghiệp không phải là điều dễ dàng.

Còn anh Nguyễn Văn Toàn (quận 5) mỗi tháng chạy xe công nghệ cũng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí cá nhân. Trước khi làm tài xế công nghệ, anh từng là nhân viên văn phòng tại quận 6. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty gặp khó khăn và anh bị mất việc.

Lúc đó, anh Toàn buộc phải chuyển sang chạy xe công nghệ để kiếm sống. Anh từng tham gia BHXH bắt buộc nhưng sau khi chuyển nghề, anh đã rút BHXH một lần vì gánh nặng kinh tế khi vợ mang thai đứa con thứ hai và phải nghỉ việc do sức khỏe yếu.

tai-xe-cong-nghe-1-1728002004.jpg
Thu nhập giảm khiến gánh nặng cơm áo của không ít tài xế công nghệ thêm chật vật

Không dám nghĩ đến lấy vợ, sinh con

Anh Nguyễn Văn Luân (quê Nghệ An, trọ tại quận 8) bắt đầu làm tài xế công nghệ từ sau đợt dịch Covid-19. Anh chia sẻ, công việc này không dễ kiếm sống như mọi người tưởng. Để đạt được mức thu nhập kỳ vọng, anh phải chạy song song hai ứng dụng. Trước những câu hỏi về thu nhập của khách, anh chỉ biết cười trừ: "Mỗi ngày tôi cắm mặt chạy ngoài đường hơn 12 giờ nhưng thu nhập chưa đến 500.000 đồng, mà đó còn chưa trừ chi phí ăn uống, bảo dưỡng xe".

Đã gần 40 tuổi nhưng anh Thành vẫn lẻ bóng. Là lao động ngoại tỉnh, ngoài tiền thuê nhà, anh còn phải dành một phần thu nhập để gửi về phụng dưỡng cha mẹ ở quê. Anh tâm sự, lo cho bản thân còn chưa xong, anh không muốn làm khổ ai, khi nào dư giả thì mới tính tiếp.

Tương tự, vợ chồng anh Trần Văn Kiên (quận 12) từ Trà Vinh lên TP.HCM lập nghiệp đã nhiều năm. Trước đây, vợ chồng anh bán rau ở chợ. Nhưng do kinh doanh ế ẩm, họ đăng ký làm tài xế xe công nghệ. Công việc ban đầu không gò bó, khiến anh cảm thấy thoải mái, nhưng dần dà, thu nhập chỉ đủ nuôi bản thân.

Anh Kiên chia sẻ, vợ chồng thuê trọ ở quận 12 vì giá rẻ, cả tiền điện nước chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng mỗi ngày phải di chuyển rất xa để vào trung tâm thành phố vì ở đó lượng khách đông hơn. Anh bảo, chỉ mong thu nhập đủ sống.

Dù đã kết hôn gần 10 năm, mỗi khi nhắc đến chuyện con cái, anh Nhanh lại lắc đầu buồn buồn. Anh hy vọng nếu tìm được công việc có thu nhập ổn định hơn, vợ chồng mới tính đến chuyện con cái.

Một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, thu nhập bình quân của tài xế xe máy sau khi trừ chi phí xăng và dịch vụ chỉ ở mức 318.000 đồng/ngày và khoảng 7 triệu đồng/tháng. Với tài xế ô tô, con số này là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để đạt được mức thu nhập này, các tài xế phải làm việc cật lực từ 8 - 13 giờ/ngày, vượt quá số giờ làm việc tối đa theo Bộ Luật Lao động năm 2019 (12 giờ/ngày).

Ngoài ra, tài xế còn bị kiểm soát về thu nhập và lịch trình làm việc. Tỷ lệ chiết khấu của các hãng công nghệ hiện nay khá cao, trung bình tài xế chỉ nhận được khoảng 75% giá trị đơn hàng, trong khi đã phải tự chi trả khoảng 30% cho chi phí phương tiện và khấu hao.