Thuế giá trị gia tăng dự kiến sẽ tiếp tục giảm từ 1/7

Bộ Tài chính đang xin ý kiến xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% từ 10% xuống 8% nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi.

Tuy nhiên, mức giảm này không áp dụng cho tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ mà sẽ loại trừ một số nhóm gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế đặc biệt.

Nguyên nhân theo Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế GTGT hiện hành quy định 2 mức 5% và 10% tùy vào mặt hàng, dịch vụ (không kể mức 0% của các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, đối tượng không chịu thuế).

thu-vat-1716566661.jpg
Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ 10% xuống 8% nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế

Theo đó, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn đầu vào nên cơ sở thường không phát sinh thuế GTGT phải nộp. Còn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh thuế phải nộp.

Việc thực hiện giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ trên đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 101/2023/QH15, Nghị quyết số 110/2023/QH15 và thực hiện ổn định trong năm 2022, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Dự kiến thời gian áp dụng từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Việc giảm thuế GTGT đã áp dụng từ năm 2022 và đã tạo được nhiều hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp và người dân. Bởi thuế GTGT là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống nhân dân. Do đó, việc giảm thuế GTGT không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng, mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phản hồi Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ tháng 7 đến cuối năm 2024 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến, nhiều doanh nghiệp phản hồi đang gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu từ việc phân loại hàng hóa.

Cũng theo VCCI, dù đã có nhiều hướng dẫn về các chính sách giảm thuế GTGT nhưng các văn bản này đều được xây dựng trên mã ngành kinh tế Việt Nam, trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê chứ ít khi được coi là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

bat-dong-san-1716566804.jpg
Bất động sản là một trong những ngành nghề không được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế

Việc cụ thể hoá các nhóm hàng hoá, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là đối với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, nhóm hàng hóa viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hoá chất cũng rất chung chung và khó phân loại.

Nhiều trường hợp không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%, đến hỏi các cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng đều nhận được câu trả lời chung chung. Khó khăn này khiến gây nhiều chi phí xã hội, làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thậm chí, có không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán, thỏa thuận mua bán hàng hóa xong với khách hàng nhưng không thống nhất được mức thuế suất nên đã không ký được hợp đồng...Hay có trường hợp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì khác quan điểm về thuế suất.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.