Tới 75,5% vụ cháy xảy ra là do sự cố hệ thống và thiết bị điện

Thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho thấy, có tới 75,5% vụ cháy xảy ra là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện,15,7% do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Tỷ lệ cháy do sự cố điện tăng theo các năm

Mới đây, tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý II, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã đưa ra thông tin chính thức về nguyên nhân gây ra vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính khiến 14 người thiệt mạng. Theo đó, đường dây dẫn khu vực đầu xe máy điện bị chập mạch làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan sang các xe máy xung quanh.

Trước đó, ngày 25/5, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” liên quan đến vụ cháy này. Cơ quan công an sẽ điều tra, làm rõ 2 nội dung: Trách nhiệm của chủ nhà trọ và nhóm quản lý Nhà nước.

day-dien-2-1719618773.jpeg
Vụ cháy khiến 14 người thiệt mạng ở Trung Kính do đường dây dẫn khu vực đầu xe máy điện bị chập mạch

Trở lại với sự cố điện gây cháy, đây đang là nguyên nhân của phần lớn các vụ việc. Thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho thấy, trong tháng 4 vừa qua, có tới 75,5% vụ cháy xảy ra là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện,15,7% do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Đáng lưu ý, cháy vẫn chủ yếu xảy ra tại thành thị với 218 vụ (chiếm 58,6%), trong đó có 145 vụ cháy ở nhà dân (tương đương 39%), 20 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 5,4%).

Tỷ lệ cháy do sự cố điện tăng qua các năm khi giai đoạn từ 2012 - 2020, cả nước có hơn 27.500 vụ cháy, trong đó khoảng 14.200 vụ có nguyên nhân từ sự cố hệ thống điện, tương đương khoảng 51,9%, thấp hơn nhiều hiện nay.

Cẩn trọng cháy từ dây điện, pin và ắc-quy

Trước tỷ lệ gia tăng này, Cục Cảnh sát về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo: Người dân cần thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ đường dây điện, các thiết bị điện để tránh các sự cố chập cháy do hở điện, hư hỏng, xuống cấp… Đồng thời lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện để chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện.

day-dien-1-1719618773.png
Dây điện loằng ngoằng tại nhiều khu tập thể cũ tại Hà Nội tiềm ẩn rò rỉ, hở điện

Người dân nên dùng attomat bảo vệ có thông số phù hợp riêng cho từng phòng, từng thiết bị có công suất lớn như điều hòa, bình nóng lạnh… Đặc biệt, nên chọn loại có chức năng chống giật để hạn chế tối đa nguy cơ sự cố điện giật hoặc chập cháy do quá tải, chập điện

Người dân không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện cùng lúc gây quá tải dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn tránh hiện tượng quá tải gây cháy. Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn, người dân phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp. Đương nhiên, cũng không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện trong cùng một ổ cắm.

Ngoài hệ thống điện, các thiết bị có sử dụng pin, ắc-quy tích điện lithium cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Tiến sĩ Bùi Hùng Thắng - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, thực tế đã có nhiều sự cố cháy nổ liên quan đến pin và ắc-quy lithium, gây nguy hiểm cho người sử dụng và dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

day-dien-1719618773.png
Tới 75,5% vụ cháy xảy ra là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện

Do đó, cần định kỳ kiểm tra các thiết bị sử dụng pin và ắc-quy lithium như điện thoại, máy tính, sạc dự phòng, quạt tích điện, đèn pin tích điện... Những hiện tượng như pin và ắc-quy sử dụng lâu ngày bị phồng cần được thay thế. Lưu ý, pin và ắc-quy thay thế cần phải chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, không sử dụng sản phẩm trôi nổi chất lượng thấp trên thị trường.

Theo Tiến sĩ Bùi Hùng Thắng, các thiết bị như di động, máy tính... cần được sạc ở nơi thông thoáng, tránh xa những vị trí dễ gây cháy nổ. Quá trình sạc nên có người giám sát, tránh việc sạc thiết bị qua đêm ở nơi không có người lớn, vì nếu không may xảy ra sự cố gây cháy nổ sẽ khó xử lý kịp thời, từ đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với xe điện, ắc-quy lithium cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo chất lượng theo quy định của nhà sản xuất. Nên sạc xe điện ở nơi thông thoáng để tránh nguy cơ cháy lan nếu không may xảy ra sự cố. Tốt nhất nên sạc vào thời gian phù hợp để có thể giám sát quá trình sạc và tuyệt đối không nên sạc xe qua đêm sau khi đã đi ngủ.

Ngoài ra, Tiến sĩ Bùi Hùng Thắng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện có công suất lớn tại điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy nổ. Thiết bị điện sử dụng tại những nơi này nên chọn loại có chức năng phòng chống cháy nổ.

Tuyệt đối không để lại hoặc sạc qua đêm các thiết bị sử dụng pin và ắc-quy lithium tại cửa hàng, nhà kho, hoặc địa điểm kinh doanh chứa nhiều vật dụng, đồ dùng và hàng hóa dễ cháy, nổ vào ban đêm sau khi đã đi ngủ.