TP. HCM đề xuất tăng thêm 830 tỷ đồng cho tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên

Do cần bổ sung thêm một số hạng mục, dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đang được UBND TP. HCM đề xuất tăng thêm vốn 830 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 9.030 tỷ đồng.

Sáng 14/11, tại Kỳ họp thứ 19 HĐND TP. HCM khóa X, UBND thành phố đã trình HĐND tờ trình về quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Theo đó, ban đầu dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 4.000 tỷ, ngân sách TP. HCM là 4.200 tỷ đồng.

Căn cứ vào nội dung tờ trình, UBND TP. HCM đề xuất điều chỉnh tổng mức dự án cải tạo tuyến kênh này lên hơn 9.030 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 830 tỷ.

kenh-tham-luong-ben-cat-rach-nuoc-len-2-1731554236.jpg
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là một trong những dự án cải tạo kênh, rạch, cải thiện cảnh quan, nâng cao năng lực giao thông của TP. HCM (Ảnh: Hải Quân - Vietnammoi)

Nguyên nhân tăng vốn dự án được UBND TP. HCM lý giải cụ thể như sau: Công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật cần thêm 205 tỷ đồng để phục vụ di dời 7 trụ điện cao thế, nâng cấp 2 tuyến đường dây 500kV, tái lập các hạng mục công trình thuộc khu chôn lấp rác Gò Cát.

Chi phí xây dựng cần thêm 917 tỷ đồng để bổ sung các công trình hạ tầng thiết yếu. Các công trình này bao gồm: đường giao thông tại khu vực dự án cống kiểm soát triều Vàm Thuật, Nước Lên; xây hệ thống bến lấy nước phục vụ PCCC; lắp mới 39 cửa van ngăn triều cho các cống hiện trạng và các cây cầu tạm phục vụ giao thông của người dân tại rạch Đá Hàn, cống Hồng Ký…

Ngược lại, dự án điều chỉnh giảm hơn 292 tỷ đồng đối với một số chi phí khác và dự phòng.

Tại đây, UBND TP. HCM cũng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện. Thay vì hoàn thành vào dịp 30/4/2025 như kế hoạch ban đầu thì dự án sẽ thực hiện từ 2021 – 2026.

kenh-tham-luong-ben-cat-rach-nuoc-len-4-1731554610.jpg
Dự án được đề xuất tăng thêm 830 tỷ đồng (Ảnh: Anh Tú - Lao động)

Được biết sau 2 năm triển khai dự án mới chỉ đạt khoảng 37,9% tiến độ thi công do gặp một số khó khăn vướng mắc.

Dự án được giao vốn giải ngân trong năm 2024 là 3.400 tỷ đồng nhưng BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư) dự kiến chỉ có thể giải ngân 30,23% kế hoạch, tương đương 1.028 tỷ đồng.

Dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên có chiều dài 32,7km chảy qua địa phận 7 quận huyện, bao gồm: Q.12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh. Đây cũng là tuyến kênh dài nhất của TP. HCM.

Vào tháng 2/2023, dự án cải tạo tuyến kênh này được khởi công xây dựng với các hạng mục: xây kè bê tông hai bên bờ, nạo vét lòng kênh, xây dựng đường hai bên rộng 8 – 12m, lắp đặt hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng. Ngoài ra còn xây dựng 19 cống thoát nước, 3 cây cầu kết nối và 12 bến thuyền.

kenh-tham-luong-ben-cat-rach-nuoc-len-3-1731554695.jpg
Phối cảnh dự án sau khi hoàn thiện

Hiện nay dự án này đang gặp vướng mắc khi thiếu bãi đổ đất và bùn từ quá trình nạo vét lòng kênh, khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng và tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng…

Trước đó, dự án đã xác định các địa điểm làm bãi đổ đất, bùn thải phát sinh như: Tiểu khu 3 ở phường Bình Trị Đông (Q. Bình Tân), Công viên Văn hóa Gò Vấp (Q. Gò Vấp), Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn thuộc xã Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Tuy nhiên, do thiếu sự đồng độ từ các cơ quan quản lý địa phương và phía người dân nên đến nay lượng bùn đất sau khi nạo vét lên phải tập kết tạm tại công trường gây vướng mắc mặt bằng thi công, đồng thời cản trở việc nghiệm thu và giải ngân.

Chủ đầu tư dự án cho hay, bùn đất phát sinh từ công trình không phải là chất thải nguy hại nên để tránh lãnh phí, chúng có thể tận dụng cho các dự án công cộng tại TP. HCM. Trong trường hợp các địa phương không có nhu cầu sử dụng, BQL dự án sẽ kiến nghị đưa bùn đất đến các khu vực có nhu cầu khác như Q. 12, sau khi đã hoàn tất các thủ tục theo quy định.

kenh-tham-luong-ben-cat-rach-nuoc-len-1-1731554743.jpg
Bùn đất được nạo vét chất thành đống dọc 2 bên bờ kênh (Ảnh: Minh Quân - Lao động)

Về nguồn cung cấp vật liệu, dự án đăng gặp khó khăn do thiếu đá, cát san lấp, trong khi đó giá vật liệu đầu vào tăng cao hơn giá dự thầu. Đây chính là nguyên nhân khiến nhà thầu gặp khó khăn tài chính, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Ngoài ra, thời tiết diễn biến thất thường, mưa lớn cùng với triều cường cũng khiến cho quá trình thi công bị gián đoạn, làm chậm tiến độ dự án.

Thời điểm này, một số đoạn cống thoát nước đang thi công dang dở, lắp đặt không hoàn chỉnh, khiến bùn lầy đọng lại. Công trường dự án vắng bóng công nhân, rất ít hoạt động thi công.