Di dời các ngôi nhà lụp xụp ven kênh, rạch: Xem xét cho thuê, mua nhà ở xã hội

Để thực hiện chỉnh trang đô thị, TP. HCM hiện đang nghiên cứu thí điểm cho người dân có nhà trên và ven kênh rạch được thuê, thuê mua nhà ở xã hội khi Nhà nước thực hiện dự án di dời.

Hơn 20 năm qua, công tác di dời nhà trên và ven kênh, rạch tại TP. HCM đã không đạt như kỳ vọng đặt ra. Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, thành phố hiện có các dự án cải tạo kênh, rạch như: Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa; cải tạo kênh Hàng Bàng; dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi; cải tạo kênh A41; cải tạo rạch Bà Tiếng; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; cải tạo tuyến mương Nhật Bản, kênh Hy vọng; dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên...

Từ năm 1993, thành phố đã thực hiện di dời các hộ dân sống trên, ven kênh, rạch. Chương trình đạt kết quả ở giai đoạn đầu nhưng tiến độ chậm lại vào giai đoạn sau, khi chủ trương chuyển từ nguồn vốn ngân sách sang nguồn vốn ngoài ngân sách. Giai đoạn 1993 - 2020, thành phố di dời được 38.185/65.000 căn nhà. Trung bình mỗi năm thành phố di dời được hơn 1.400 nhà.

nha-ven-kenh-1718865129.jpg
TP. HCM đang nghiên cứu đề án thí điểm cho người dân sống trên và ven kênh rạch trong diện di dời được thuê, mua nhà ở xã hội

TP. HCM đã ban hành kế hoạch về triển khai chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2030, trong đó có di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch với mục tiêu từ năm 2021 - 2025 sẽ di dời 6.500 căn. Chỉ còn hơn 1 năm nữa, có thể nói việc đạt mục tiêu đề ra là bất khả thi.

Theo Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP. HCM Lý Thanh Long, đến cuối năm 2023, thành phố đã bồi thường, di dời được gần 700/6.500 căn nhà ven và trên kênh, rạch. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời được 4.250/6.500 căn, đạt 65% chỉ tiêu đề ra.

Nguyên nhân chậm trễ là do 3 dự án (xây dựng cải tạo, mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và công viên cây xanh dọc bờ Kênh Tẻ; cải tạo kênh Hy Vọng; nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh) chưa được đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Trường hợp 3 dự án trên được UBND TP. HCM bố trí vốn để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nâng tổng số lượng nhà di dời trên và ven kênh rạch trong giai đoạn 2021 - 2025 lên 6.971 căn (đạt tỉ lệ 107,25% chỉ tiêu đề ra).

Mới đây, liên quan đến thực hiện các dự án di dời này, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng đề án “Giải pháp thí điểm giải quyết cho hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh rạch được thuê, thuê mua nhà ở xã hội khi Nhà nước thực hiện dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị”.

Đề án đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương trước đây, trong đó cập nhật, tiếp cận các quy định pháp luật có liên quan đến Luật Đất đai và Luật Nhà ở mới.

nha-ven-kenh-1-1718865128.jpg
Không chỉ mất an toàn, các gia đình sống ven kênh còn chịu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao chủ trì, phối hợp cùng Sở Xây dựng tham mưu cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiệu quả, khả thi. Đồng thời đề xuất UBND thành phố báo cáo Ban cán sự Đảng UBND thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy xin chủ trương thực hiện theo quy định.

Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP. HCM về rà soát nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tham mưu, đề xuất việc triển khai thực hiện ngay các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Biết được chủ trương này của thành phố, ông Nguyễn Trung Quân (ngụ trong căn nhà lụp xụp ven kênh Đôi, đường Phạm Thế Hiển, quận 8) chia sẻ không biết bản thân có đủ điều kiện để thuê được nhà ở xã hội không nhưng ông vẫn thấy rất vui.

Vợ chồng ông sống cùng 2 con trong căn nhà tạm chừng 30m2, không có giấy tờ rõ ràng. Do kinh tế gia đình hạn hẹp nên vợ chồng ông “bám trụ” trên dòng kênh Đôi đã nhiều năm. Ông cũng biết, chỗ ở chật hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là mùa mưa bão, thêm việc không bảo đảm vệ sinh nhưng cũng đành chấp nhận chứ không còn cách nào khác.