TP.HCM: 75% tổng số khiếu nại, kiến nghị liên quan đến đất đai

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, số lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm khoảng 75% tổng số khiếu nại, kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng TP về nội dung báo cáo Đoàn Giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội 2015 - 2023. 

Theo đó, TP.HCM có mật độ dân cư cao, đất đai có nguồn gốc đa dạng, phức tạp nên khối lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai rất lớn.

dat-78-1713155076.jpg
TP.HCM có mật độ dân cư cao, đất đai có nguồn gốc phức tạp.

Báo cáo của Sở TN&MT TP cho biết, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm khoảng 75% tổng số kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Vụ việc chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp sổ đỏ…

Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn kiến nghị, khiếu nại toàn TP đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.300 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 65.200 đơn; không thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 20.100 đơn.

Về kết quả làm việc với hơn 65.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, TP đã xử lý giải quyết khoảng 58.700 đơn thư, đạt hơn 90%.

Ngoài ra, toàn TP đã thực hiện hơn 700 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, 46 cuộc thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai; Thanh tra của các quận, huyện và TP Thủ Đức tiến hành 104 cuộc; Thanh tra Sở TN&MT TP tiến hành 51 cuộc và kiểm tra chuyên ngành về quản lý sử dụng đất cũng có 500 cuộc.

Hàng năm, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT ban hành các kế hoạch thanh tra việc việc chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn TP theo kế hoạch hoặc đột xuất.

kien-nghi-1713155056.jpg
TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.300 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Trên địa bàn TP.HCM, nhiều dự án trải qua nhiều năm nhưng chưa giải quyết xong nghĩa vụ tài chính về đất đai, gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển đô thị. Đồng thời, nguồn thu ngân sách, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và người dân liên quan chưa đảm bảo.

Đưa ra nguyên nhân, Sở TN&MT TP cho rằng, xuất phát từ sự chậm trễ trong việc xác định giá đất kéo theo việc hoàn thiện pháp lý nhà đất cũng “giậm chân tại chỗ” dẫn đến người dân, doanh nghiệp bức xúc, có nguy cơ tạo ra những điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh kiểm tra, xét xử nhiều vụ việc có liên quan đến vi phạm về đất đai dẫn đến bộ phận không nhỏ cán bộ có tâm lý e ngại, đùn đẩy trách nhiệm, không dám mạnh dạn tham mưu, đề xuất để tháo gỡ vướng về mặt pháp lý đối với các dự án.

Chưa hết, tiềm năng, lợi thế của TP trong lĩnh vực đất đai chưa được khai thác hiệu quả. Vai trò đầu tàu dẫn dắt của TP đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm. Vì vậy, cũng đã xuất hiện tâm lý mất niềm tin từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, của người dân, từ đó nguồn lực đất đai trong đầu tư phát triển sử dụng kém hiệu quả.

Trước đó, tại kỳ họp vào hồi tháng 11/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong dự báo, năm 2024 tình hình kiến nghị, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều đoàn khiếu kiện đông người. Đặc biệt, các khiếu nại liên quan đến đất đai vẫn có nhiều nguy cơ phát sinh phức tạp thành điểm nóng.

Đáng chú ý, tình hình khiếu kiện đông người liên quan đến việc giao khoán đất nông, lâm trường tại một số tỉnh nếu không được xử lý kịp thời, dứt điểm có thể diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự xã hội. Về việc này, Quốc hội xem xét, thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... để góp phần gỡ vướng những bất cập trong lĩnh vực đất đai và mặt khác là đảm bảo quyền lợi của người dân.