TP.HCM: Di dời nhà ven kênh, rạch phải đảm bảo an sinh

Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội chia sẻ, khi người dân chuyển chỗ ở thì đồng nghĩa với việc chuyển toàn bộ đời sống của họ sang chỗ mới. Do vậy, an cư bền vững chính là giải pháp an sinh.

Nỗi lo chỗ ở của các gia đình sống bên kênh

Gia đình ông Nguyễn Minh Trí (65 tuổi, đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP. HCM) có 6 người chen chúc trong căn nhà gần 30m2, nhưng hơn một nửa căn nhà nằm trên mặt kênh. Ông Trí cho biết, gia đình ông về đây từ trước năm 1975 và ở tạm bợ từ đó đến nay.

Ông Trí chia sẻ, nếu phải đi khỏi đây thì gia đình ông chưa biết ở chỗ nào. Thành phố dự kiến sẽ thí điểm cho hộ dân sống ven kênh rạch được mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhưng ông không biết nhà mình có đáp ứng đủ kinh tế không.

nha-ven-kenh-1-1722775536.jpg
Nhiều người dân thấp thỏm khi di dời khỏi nhà ven kênh rạch (Ảnh: PLO)

Còn ông Lê Văn Sù (66 tuổi, nhà ở đường Hoài Thanh, quận 8) cho biết, gia đình ông cắm ghe bên dòng kênh Đôi từ năm 1971. Sau đó, ông đổ xà bần san lấp, cất nhà làm nơi ở tạm. Khi đất nước thống nhất, ông xung phong đi vùng kinh tế mới, nhưng sau đó lại quay trở về căn nhà cũ trên đường Hoài Thanh này.

Ông Sù bảo, gọi là nhà nhưng chỉ là vách gỗ, phía trên lợp tôn tạm bợ, mùa hè nóng hầm hập. Nghe tin phải di dời, ông thấp thỏm đã nhiều ngày vì dù nơi đây tạm bợ thì vẫn là chỗ che mưa nắng cho cả nhà.

Ông Lưu Thanh Hoàng (đường Nguyễn Duy, quận 8) cho biết, căn nhà của gia đình ông rộng khoảng 38m², dựng trước năm 1975 do cha mẹ để lại. Căn nhà có 4m sàn dựng trên kênh. Như hầu hết các hộ dân bên dòng kênh Đôi, nhà ông không có sổ đỏ, chỉ có tờ khai từ năm 1999. Không ít căn nhà trải qua nhiều đời chủ theo dạng mua bán giấy tay, người dân tự ý lấn chiếm bờ kênh, cơi nới thêm để có chỗ ở.

Ba trường hợp trên nằm trong số gần 1.600 hộ dân phải di dời để phục vụ dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi. Ước tính sẽ có hơn 1.000 căn nhà phải giải tỏa trắng. Thông báo thu hồi đất của UBND quận 8 ban hành cuối tháng 4/2024, ông Sù sẽ bị thu hồi hơn 23m², thuộc diện giải tỏa trắng. Hiện địa phương chưa thông báo số tiền bồi thường, hỗ trợ cụ thể cũng như nơi tái định cư nên tâm trạng các hộ dân khá phập phồng.

An cư, an sinh cho người dân

Trước tình trạng di dời hộ dân sống ven kênh rạch rất chậm, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM đang đề xuất một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mang tính đột phá. Đáng chú ý là đề xuất hỗ trợ 70% giá bồi thường đất ở sau khi đã trừ nghĩa vụ tài chính đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch trước tháng 7/2014 và đề án cho thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, tùy theo nhu cầu cùng khả năng tài chính của người dân.

nha-ven-kenh-1722775536.jpg
Gần 1.600 hộ dân phải di dời để phục vụ dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh Niên)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội chia sẻ, an cư và an sinh là 2 từ khóa quan trọng trong việc di dời nhà ven kênh rạch. Trong đó, an cư bền vững chính là giải pháp an sinh.

Theo tiến sĩ Lộc, khi người dân chuyển chỗ ở thì đồng nghĩa với việc chuyển toàn bộ đời sống của họ sang chỗ mới. Các chính sách tốt thường tính toán đến rủi ro và hệ quả của quá trình di chuyển.

Chính sách mà Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Xây dựng đang đề xuất mang tính tích cực cho cả chính quyền và người dân. Theo đó, người dân có không gian sống bền vững hơn so với việc cầm một số tiền hỗ trợ mà không biết mua nhà ở đâu, tới khi hết tiền thì vấn đề an cư không đạt.

Tiến sĩ Lộc cho rằng, TP. HCM cần hướng đến tầm nhìn xa hơn, tính toán chuyện ổn định an sinh xã hội cho người dân như tái cơ cấu việc làm, trẻ em phải có trường học... Hầu hết người dân sống ven kênh rạch là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ. Do vậy, nếu họ chuyển lên chung cư cao tầng thì sẽ đối diện thách thức tách biệt với sinh kế.

Tiến sĩ Lộc khuyến nghị, thành phố cần khảo sát, đánh giá để tổ chức lại không gian sinh sống của người dân ven kênh rạch, bởi nếu làm tốt thì sẽ thành hình mẫu phát triển hạ tầng đô thị gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là khu vực giải tỏa. Bởi nếu bài toán an sinh không tốt, người dân khi tái định cư sẽ chỉ thấy tốt đẹp lúc ban đầu. Nhưng 3 - 4 năm sau phát sinh những việc ngoài ý muốn, khiến cuộc sống bí bách hơn, họ quay lại suy diễn, xét lại chính sách.

TP. HCM còn nhiều việc phải làm trong tổ chức lại không gian đô thị, nên nếu làm tốt chính sách di dời nhà ven kênh thì cũng mở ra nhiều cơ hội cho các lĩnh vực khác như cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang khu nhà ở lụp xụp. Khi có chính sách tốt, người dân sẽ ủng hộ; còn nếu chính sách chỉ hướng đến việc hoàn thành chỉ tiêu di dời thì chưa chắc đã bền vững.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, tái định cư tại chỗ là tốt nhất. Bởi người sinh sống ven kênh đa phần có thu nhập thấp, buôn bán nhỏ, lao động tự do nên họ cần nhất là nơi mưu sinh gần với chỗ ở.

Trong trường hợp không tái định cư gần nơi ở cũ, địa phương nên có phương án kết nối giao thông giữa khu tái định cư tới chỗ làm việc như xe buýt, phương tiện nhỏ để đi lại… Nếu nơi ở mới không thuận tiện thì chỉ một thời gian ngắn họ sẽ bỏ đi, bán lại căn hộ, rồi tìm mảnh đất nào đó để xây nhà tạm. Lúc đó, nhà nước phải đuổi theo câu chuyện có hợp thức hóa hay không.

Tiến sĩ Nguyên nhấn mạnh phải tìm ra giải pháp có thể không tối ưu nhưng phải là giải pháp mà người lao động có thể chấp nhận được, để họ đồng tình với việc chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, ô nhiễm nguồn nước.