Từ vụ người phụ nữ suýt tử vong vì truyền chất trắng da: Làm đẹp cũng cần hiểu biết

Màu sắc da được quy định bởi gene nên các loại thuốc chỉ có tác dụng trắng da tạm thời, nếu muốn duy trì phải tiêm, truyền lâu dài, liều cao dẫn đến nguy cơ tích lũy độc tố làm tổn thương các cơ quan như thận, gan, tuyến giáp...

Mới đây, Bệnh viện E đã tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân (46 tuổi) bị sốc phản vệ do sử dụng phương pháp truyền chất làm trắng da ở một spa tại Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, khó thở, kích thích, tụt huyết áp nghiêm trọng gây trụy mạch.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số men gan của bệnh nhân tăng cao gấp 4 - 5 lần so với bình thường. Các bác sĩ nghi ngờ có thể do tác dụng phụ của chất làm trắng, nguy cơ suy gan… Ngay lập tức, bệnh nhân được xử lý theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ, bởi nếu không được xử trí kịp thời có thể tử vong chỉ sau vài phút.

truyen-trang-da-1720169950.png
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện E (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có cơ địa dị ứng với mạt bụi nhà và một số loại thức ăn như tôm, cua, cá, khoai tây, lòng trắng trứng… Nhưng lại lựa chọn cách làm đẹp với chất làm trắng không rõ nguồn gốc, thành phần tại spa.

Người nhà cho biết, nữ bệnh nhân đã được tư vấn truyền trắng da bằng tế bào noãn thực vật tại một spa với liệu trình 10 buổi. Chi phí cho liệu trình này là gần 50.000.000 đồng. Sau 6 buổi truyền, người bệnh không xuất hiện triệu chứng khác lạ nào. Đến buổi thứ 7, khi truyền chất làm trắng được 30 phút, người bệnh bắt đầu xuất hiện biểu hiện khó thở, mê man, co giật toàn thân… Lo sợ người bệnh có thể tử vong, nhân viên spa đã liên hệ cấp cứu 115 để đưa người bệnh tới Bệnh viện E.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thu Lan - Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E cho biết, chất làm trắng không rõ nguồn gốc được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch có thể gây ra phản ứng nguy hiểm, đặc biệt với những người có tiền sử dị ứng.

Phương pháp truyền trắng bằng cách tiêm, truyền trực tiếp vào tĩnh mạch hiện nay được nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa quảng cáo rất rầm rộ. Thành phần các chất tiêm, truyền vào người được tư vấn như vitamin C, tế bào gốc, tinh chất thiên nhiên... Các cơ sở này quảng cáo, tiêm tế bào gốc vào người giúp từ làn da nâu trở nên "trắng nõn". Chỉ cần 2 - 3 lần truyền qua tĩnh mạch là đã thấy da "bật tông".

Chị N.T.H.H (Ba Đình, Hà Nội) cũng từng đi truyền trắng da, nhưng đã dừng giữa liệu trình. Chị H. cho biết, chị khá tự ti vì làn da không được trắng nên đã tìm hiểu các phương pháp làm trắng da. Sau đó, chị đọc được quảng cáo của một spa có thể làm trắng cấp tốc trong thời gian ngắn bằng cách truyền chất làm trắng vào thẳng tĩnh mạch.

Đọc chia sẻ trong các hội làm đẹp, chị H. thấy cũng có nhiều người đã thực hiện phương pháp này nên quyết định làm. Chỉ vài lần truyền, chị H. thấy da mình trắng lên thật. Nhưng được một thời gian, khắp người chị bắt đầu nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Lo sợ do phương pháp truyền trắng gây ảnh hưởng tới sức khỏe nên chị đã ngưng ngay. Vài tuần sau, tình trạng mẩn đỏ và ngứa trên người chị đã không còn.

truyen-trang-da-1-1720169950.jpg
Bộ Y tế chưa cấp phép cho danh mục kỹ thuật tiêm, truyền nhằm mục đích làm trắng da qua đường tĩnh mạch

Bác sĩ chuyên khoa II Lư Huỳnh Thanh Thảo - Bệnh viện Da liễu TP. HCM cho biết, truyền trắng chia làm hai loại là tiêm, truyền trắng qua đường tĩnh mạch và tiêm các chất làm trắng vào trong da hay còn gọi mesotherapy kỹ thuật tiêm vi điểm.

Hiện nay, Bộ Y tế chưa cấp phép cho danh mục kỹ thuật tiêm, truyền nhằm mục đích làm trắng da qua đường tĩnh mạch. Các phương pháp truyền trắng hiện nay còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao như bị nhiễm trùng, lây nhiễm viêm gan siêu vi B, C hay có thể là HIV...

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Thảo, màu sắc da được quy định bởi gene nên các loại thuốc chỉ có tác dụng trắng da tạm thời, nếu muốn duy trì phải tiêm, truyền lâu dài, liều cao dẫn đến nguy cơ tích lũy độc tố làm tổn thương các cơ quan như thận, gan, tuyến giáp... Ngoài ra, các loại thuốc có thể được pha trộn không có liều lượng cố định có thể gây tương tác thuốc giữa các thành phần bào chế và tá dược với nhau hoặc sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong...

Trong khi đó, PGS Đỗ Quang Hùng - nguyên Trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó chủ tịch Hội Thẩm mỹ TP. HCM thông tin, chủ yếu các chất truyền trắng da mà các cơ sở làm đẹp sử dụng hiện nay là vitamin C.

Việc truyền qua tĩnh mạch rất nguy hiểm, khi vượt quá liều lượng sẽ dễ gây sốc và tử vong. Hiện nay, Bộ Y tế không cấp phép cho phương pháp nào làm trắng bằng cách tiêm, truyền qua đường tĩnh mạch. Các chất được quảng cáo như nhau cừu, tế bào gốc hoặc các chất để truyền trắng da cũng chưa được cấp phép.