Vàng gặp khó cả hai chiều mua bán: Người dân bắt đầu chán vàng?

Trong bối cảnh khan hiếm vàng miếng SJC, người dân “đổ xô” sang mua vàng nhẫn để phục vụ nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, đến nay mua được vàng nhẫn cũng là điều không dễ dàng.

Phiên giao dịch sáng ngày 29/7, vàng SJC ghi nhận 6 phiên liên tiếp “đứng im” tại mức giá 77,5-79,5 triệu đồng/lượng. Trong khi, theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp nhích nhẹ lên khoảng 50.000 đồng/lượng so với phiên cuối tuần trước, mức giá dao động ở mức 75,55 – 77,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Dù ghi nhận xu hướng tăng trở lại sáng nay, đà tăng này không đủ đưa giá vàng nhẫn trở lại vùng giá cao như đầu tuần trước. Đặc biệt, trong quầy trưng bày vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng liên tục xuất hiện thông báo “tạm thời hết vàng nhẫn”.

Mua bán khó khăn

Câu chuyện khó mua vàng miếng SJC cả trực tiếp và trực tuyến là chủ đề chính trên thị trường vàng. Nhiều người dân chia sẻ, khoản tiền định mua vàng từ đầu tháng 6 đến nay vẫn nguyên trong tài khoản bởi có đi xếp hàng nhiều ngày, hàng chục lần đăng ký online nhưng chưa thể thành công tại một phương thức nào.

Thậm chí, nhiều người đã điền đầy đủ các thông tin cần thiết trên hệ thống ngân hàng từ hôm trước, chờ đúng giờ trang website mở cửa là bấm gửi ngay nhưng vẫn nhận lại thông báo đã đủ số lượng đăng ký trong ngày và hẹn lần sau. Tại các doanh nghiệp được ngân hàng cấp phép cũng đều thông báo hết vàng miếng.

Nhiều người có nhu cầu thực đã chuyển hướng sang mua vàng nhẫn trơn, dù hiện nay đã tăng tới 77 triệu đồng/lượng nhưng vàng nhẫn cũng “cháy” hàng. Nếu còn tại một số nơi, khách hàng cũng chỉ được mua tối đa 2 chỉ, nhưng cũng treo biển “hết vàng” sau ít phút mở bán.

vang-1722228032.jpeg

Giá vàng miếng đã "đứng im" 6 phiên liên tiếp

Trước thực trạng này, có ý kiến cho rằng, người dân đã không còn mặn mà với vàng. Minh chứng rõ ràng tại một cuộc họp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho biết, có trường hợp đặt mua vàng trực tuyến thành công nhưng không đến lấy.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi không chỉ khó mua, việc bán vàng thời điểm này cũng rất khó khăn. Chị Bích Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, không khỏi bất ngờ khi mang 1 lượng vàng (10 chỉ nhẫn tròn trơn) đi bán nhưng bị tiệm vàng từ chối vì không có hóa đơn.

Theo chị Hồng, số vàng này chị mua từ cách đây vài năm khi có khoản tiền dư cũng không lấy hóa đơn vì nghĩ vàng chỉ cần kiểm tra thật giả là có thể giao dịch. Tuy nhiên, chị đã đi nhiều tiệm vàng và chỗ nào cũng yêu cầu phải có hóa đơn mới đồng ý mua.

Chị Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” mang vàng đi bán cũng bị tiệm vàng từ chối mua do không thể chứng minh được “vàng có nguồn gốc”. Tương tự, anh Thái Minh (quận 1, TP.HCM) cũng ở hoàn cảnh “mang đến lại mang về” 5 chỉ vàng do không có hóa đơn nên tiệm vàng từ chối.

Tiệm vàng e ngại

Lý giải việc thường xuyên treo biển “tạm thời hết vàng”, một chủ tiệm trên phố vàng Trần Nhân Tông cho biết, do nguồn cung khan hiếm nên các cửa hàng không nhận được nhiều, ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng không có vàng mà bán.

Còn đối với việc “gây khó” trong thu mua, vị này cũng cho biết, cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, thậm chí đã thu giữ nhiều sản phẩm không có hóa đơn đầu nào, nên việc kỹ lưỡng này là “khách hàng cần thông cảm” bởi “đã là quy định thì phải chấp hành”.

mua-vang-1722228139.jpg

Vàng gặp khó cả hai chiều mua bán

Theo quy định của Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), các sản phẩm vàng phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, có tài liệu kèm theo hoặc chứng minh được nguồn gốc, để đảm bảo việc chấp hành quy định pháp luật về chế độ kế toán với hàng hóa. Do đó, trường hợp không có hóa đơn chứng từ sẽ được xác định là hàng hóa nhập lậu hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất sứ, giả mạo nhãn hiệu và bị tich thu.

Ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn đều đang rất khó mua trong giai đoạn hiện nay. Thời gian tới, giá vàng nhiều khả năng sẽ còn dư địa để tăng thêm, nhất là khi FED giảm lãi suất từ đây đến cuối năm ít nhất 1 hoặc 2 lần; các ngân hàng trung ương tăng lượng mua vàng dự trữ; tình hình chính trị thế giới vẫn còn phức tạp… Do đó, về lâu dài, cơ quan chức năng phải cho phép nhập khẩu vàng làm nguyên liệu để tăng cung.

Trước đó, tại phiên họp báo 6 tháng đầu năm 2024 của NHNN, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, các cơ quan liên quan sẽ có chính sách mới để quản lý thị trường vàng hiệu quả, trên nguyên tắc sửa lại Nghị định 24 đảm bảo quản lý hiệu quả, ngăn chặn tiêu cực trên thị trường vàng. NHNN cũng đang thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu cơ lũng đoạn thị trường vàng.