Vàng nhẫn lập đỉnh giá, “cháy hàng”: Chốt lời hay tiếp tục mua gom?

So với đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 15 triệu đồng mỗi lượng và vẫn đang duy trì mức kỷ lục mới. Trong khi nhu cầu người dân lớn, các cửa hàng lại thường xuyên báo “hết vàng” khiến nhiều người đắn đó nên bán chốt lời hay tiếp tục mua gom.

Trong khoảng 3 ngày gần đây, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn liên tục đi ngang với mức 79 – 81 triệu đồng/lượng vàng miếng (mua – bán ) và 77,4 – 78,6 triệu đồng/lượng vàng nhẫn (mua - bán). Đáng chú ý, dù vẫn được niêm yết giá công khai trên hệ thống bán hàng nhưng thực tế thì cả 2 loại vàng này đều “vắng mặt” tại các điểm bán của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Đầu vào khan hiếm, giá lập kỷ lục

Theo thông báo của nhân viên tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, đầu vào đang khan hàng nên các cửa hàng kinh doanh của doanh nghiệp đang tạm ngừng giao dịch bán ra vàng miếng và nhẫn tròn trơn. Tình trạng này cũng diễn ra tại chuỗi cửa hàng của DOJI, PNJ…khi hầu hết các đơn vị đều đồng loạt thông báo tạm hết hàng và chưa có thông tin chính xác về thời gian có trở lại.

Khảo sát tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội) cũng cho thấy, không khí giao dịch ảm đạm. Nếu như cách đây vài tháng, nhiều người sẵn sàng xếp hàng chờ từ sáng sớm để mua được vài lượng vàng, thậm chí vài chỉ vàng nhẫn thì đến nay thường xuyên rơi vàng cảnh vắng vẻ, đìu hiu bởi “không có hàng mà bán”.

Ngay cả với các cửa hàng của SJC – doanh nghiệp bán vàng được nhà nước chỉ định, cũng thường xuyên rơi vào tình trạng hết vàng nhẫn kéo dài. Tương tự với vàng miếng, chỉ có những người đăng ký thành công trên website mới được giao dịch, nhưng giới hạn số lượng.

het-vang-nhan-1725018319.jpg
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại Hà Nội thông báo hết vàng nhẫn

Tính trạng mua bán khó khăn trên thị trường vàng đã bắt đầu diễn ra kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bán vàng miếng giá bình ổn qua 5 đơn vị chỉ định là 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC. Trong khi đó, giá vàng vẫn ghi nhận đà tăng, nhất là vàng nhẫn.

Theo đó, so với đầu năm, giá vàng nhẫn hiện đã tăng hơn 15 triệu đồng mỗi lượng, tương đương mức tăng hơn 24% và liên tục thiết lập đỉnh mới. Tương tự, giá vàng miếng SJC dù được bình ổn nhưng cũng kịp tăng 10 triệu đồng mỗi lượng so với đầu năm, tương đương 12%. Xu hướng đi lên của giá vàng trong nước là tương đường và chịu sự ảnh hưởng của giá vàng thế giới.

Trong một chia sẻ với báo chí mới đây, ông Heng Koon How - Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB nhận định, hai yếu tố chính góp phần vào xu hướng tăng giá vàng thời gian qua là bất ổn địa chính trị và lực mua của các ngân hàng trung ương.

Trong những tháng tới, các đợt cắt giảm lãi suất toàn cầu sẽ là yếu tố thứ 3 thúc đẩy giá vàng đi lên. Ông Heng Koon How dự báo, giá vàng có thể lên đến 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025 và khả năng đạy 3.000 USD trong thời gian dài hơn.

Đồng quan điểm, các ngân hàng hàng đầu thế giới khác cũng có góc nhìn lạc quan với kim loại quý. Đơn cử, Goldman Sachs nhận định, vàng đang trong "thị trường tăng giá không thể lay chuyển" và đã cập nhật dự báo cuối năm lên 2.700 USD/ounce.

Thời gian này vẫn là giai đoạn nhạy cảm của giá vàng

Với những diễn biến hiện tại, nhiều người đang nắm giữ vàng bày tỏ sự băn khoăn không biết nên bán chốt lời hay tiếp tục gom mua.

Có thể kể đến trường hợp của chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), trước đây vào những dịp đầu năm chị thường có thói quen mua vàng lấy may, mức giá gom mua của chị dao động từ dưới 4 – 5 triệu đồng/chỉ. Sau thời gian, hiện chị cũng có tổng lên tới 5 lượng vàng. Hiện, giá đang ở mức cao nên đang đắn đo việc bán lấy tiền.

Ở chiều ngược lại, chị Hoàng Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) lại cho rằng, hầu hết dự báo đưa ra đều cùng chung quan điểm giá vàng sẽ còn cao nên chị muốn gom mua một ít để “lướt sóng”, nhân lúc giá vàng vẫn đang ở mức thấp so với dự kiến.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia vàng, người dân không nên mua bán vàng trong giai đoạn này. Bởi lẽ, việc mua bán vàng miếng SJC tại các đơn vị chỉ định không dễ và vàng nhẫn cũng đang khan hiếm nên có thể sẽ khó mua vào sau này.

vang-nhan-1725018295.png
Giới chuyên gia vàng cho rằng, người dân không nên mua bán vàng trong giai đoạn này

Ở góc độ quản lý tài chính cá nhân, chuyên gia tài chính Nguyễn An Huy - Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, vàng là tài sản dự phòng cho các rủi ro địa chính trị, nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ 5 – 10% danh mục tài sản.

Do vậy, nếu ai có tỷ trọng vàng dưới 5% thì nên gia tăng vì rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu, ai trên 10% thì nên bán do vàng sẽ không có tỷ suất sinh lời tốt bằng cổ phiếu và bất động sản dân sinh trong dài hạn. Nếu có nhu cầu mua trong giai đoạn hiện nay, ông Huy cho rằng nên chọn vàng miếng SJC vì tính khan hiếm trong ngắn hạn.

Về phía thị trường, các chuyên gia của VDSC cho rằng nguồn cung vàng nguyên liệu sẽ vẫn gặp khó khăn cho đến khi vấn đề "nhập khẩu vàng" được giải quyết. Ngoài ra, chính sách của các cơ quan quản lý vẫn tập trung vào việc chống lại hiện tượng "vàng hóa" trong nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, và từng bước đưa nguồn lực vàng từ dân vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

VDSC cho rằng, ngay cả khi Nghị định 24 về nhập khẩu vàng có được sửa đổi thì hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là trang sức vàng, vẫn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ  để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô và nguồn cung vàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.