Vụ chiếm đoạt 338 tỷ của khách gửi tiền tại MSB: Ngân hàng có phải bồi thường?

Liên quan đến vụ việc khách hàng mất hơn 300 tỷ đồng khi gửi tiền tại Ngân hàng MSB, các luật sư cho rằng tùy vào tình tiết vụ án để xác định ngân hàng hoặc người người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải bồi thường cho nạn nhân.

Những ngày qua, sự việc khách hàng phản ánh mất hàng chục tỷ đồng khi gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) khiến dư luận xôn xao. Ngày 28/3, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân về lừa đảo, chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng gửi tiền.

Được biết, cơ quan công an đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại. Đồng thời, Công an Hà Nội cũng kêu gọi ai có quyền lợi liên quan vụ việc trên có thể liên hệ để được tiếp nhận, giải quyết đúng theo quy định. 

Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, với diễn biến khách hàng giao dịch trực tiếp tại chi nhánh ngân hàng, có mặt cán bộ của nhà băng và bị mất tiền thì đây không phải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà có dấu hiệu “Trộm cắp tài sản” hoặc “tội tham ô” mà bên bị hại ở đây là ngân hàng.

msb3-1711692137.jpeg
Giám đốc Ngân hàng MSB chiếm đoạt 338 tỷ của người gửi tiền.

Bởi theo luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng là hợp đồng cho vay tài sản. Tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao bao giờ cũng kèm theo quyền sở hữu. Theo đó, sau khi khách gửi tiền, nhà băng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro.

Cũng theo dõi vụ việc này, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink cho hay, trách nhiệm bồi thường cho khách hàng sẽ phụ thuộc vào tình tiết điều tra vụ án. 

Nếu chứng minh được Giám đốc MSB Chi nhánh Thanh Xuân lợi dụng chức vụ, quyền hạn tự ý chiếm đoạt tiền gửi của các cá nhân do ngân hàng quản lý thì xác định tội Tham ô tài sản. Khi đó, ngân hàng làm mất tiền của khách hàng thì sẽ phải có trách nhiệm trả lại.

Còn trong trường hợp Giám đốc MSB Chi nhánh Thanh Xuân dùng thủ đoạn gian dối để lừa khách hàng ký vào giấy tờ nào đó để thực hiện hành vi chiếm đoạt thì thoả mãn tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, nạn nhân phải được bồi thường từ chính bà Hoài Anh.

Luật sư nói thêm, hiện nay, chưa rõ Giám đốc MSB Thanh Xuân chiếm đoạt tiền bằng cách nào, khả năng có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. 

lau-dao-1711692188.jpg
Người dân phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa với tài sản của mình.

Từ vụ việc này, luật sư Nguyễn Đức Mạnh khuyên người dân phải nâng cao cảnh giác hơn nữa với tài sản của mình. Khách hàng phải đọc và tìm hiểu kỹ nội dung tài liệu, hợp đồng khi ký, mở tài khoản... do cán bộ ngân hàng soạn. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường phải dừng ngay việc gửi tiền và trình báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, luật sư cho rằng cần phải xem xét lại quy trình nghiệp vụ của ngân hàng, liệu rằng quy trình đó có kẽ hở nào để cán bộ lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Trước đó, bà N.T.L. và bà V.T.K.O. (cùng trú tại Hà Nội) phản ánh, cả hai cùng mở tài khoản tại Ngân hàng MSB vào tháng 3/2021 và nhiều lần chuyển tiền. Trong tháng 10/2023, số dư tài khoản (theo xác nhận của ngân hàng) trong tài khoản của bà L. là 58,65 tỷ đồng (tại ngày 7/10) và tài khoản bà O. là 27,7 tỷ đồng (tại ngày 5/10).

Tuy nhiên, đến ngày 12/10/2023, cả hai yêu cầu sao kê tài khoản và phát hiện số tiền trong tài khoản đã “không cánh mà bay”, chỉ còn dưới 100.000 đồng. Hai khách hàng này đều khẳng định không có bất kỳ giao dịch rút tiền hay chuyển khoản nào sau thời điểm MSB xác nhận số dư tài khoản trên.