Vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh: Hơn 6.000 bị hại sẽ nhận được tiền trước ngày 30/9

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, dự kiến đến hết 21/7 sẽ có thêm 500 bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh được nhận tiền và có thể sẽ hoàn thành trả lại toàn bộ tiền cho 6.630 bị hại vào giữa tháng 9.

Liên quan đến vụ án trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh do hai cha con Chủ tịch Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt cùng các pháp nhân có liên quan thực hiện, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội xác nhận, đến ngày 18/7 có 1.500 bị hại đã được nhận tiền. Dự kiến đến hết ngày 21/7 sẽ có thêm 500 người sẽ được nhận tiền. Đơn vị cho biết sẽ hoàn thành việc trả lại toàn bộ tiền cho 6.630 bị hại trước ngày 30/9 và có thể sớm hơn vào giữa tháng 9. 

Vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đầu tiên được các bị cáo khắc phục đầy đủ số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, hơn 8.600 tỉ đồng. Theo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, đây là “điểm thuận lợi” vì cơ quan thi hành án không phải xử lý và thu hồi tài sản. 

tuyen-an-tan-hoang-minh-1721458372.jpg

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết sẽ hoàn thành việc trả lại toàn bộ tiền cho 6.630 bị hại trước ngày 30/9

Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng kể từ khi toà tuyên án, nhiều nhà đầu tư phản ánh vẫn chưa nhận được tiền. Do quá “nóng ruột” họ đồng loạt làm đơn kiến nghị. Thậm chí, chiều ngày 4/7 có khoảng 30 người dân có mặt tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự Hà Nội để đề nghị sớm được thi hành án. 

Theo một nhà đầu tư, không chỉ chậm thi hành, một nội dung khác khiến họ bức xúc đó là việc thi hành “không theo một thứ tự nào”. Người có số thứ tự nộp hồ sơ trước thì chưa nhận được tiền nhưng có người số thứ tự sau thì tiền đã về tài khoản. 

Trước những búc xúc của nhà đầu tư, ông Phan Việt Bình, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, do phải trải qua nhiều thủ tục nên việc chi trả tiền cho các bị hại đang chậm. Thêm vào đó là bị hại có tâm lý tiền khắc phục hậu quả đã sẵn mà cơ quan thi hành án lại chi trả chậm, là áp lực rất lớn.

Theo ông Bình, có nhiều phần việc kế toán phải làm thủ công như việc nhập từng quyết định bồi thường vào hệ thống máy tính, đối chiếu xong, chấp hành viên mới làm uỷ nhiệm chi. Hơn nữa, mỗi uỷ nhiệm chi cho bị hại phải có 4 chữ ký của Cục trưởng nên cần đến 50.000 chữ ký để toàn bộ 6.630 bị hại được nhận bồi thường. 

Ông Bình cũng cho hay, hiện có 6 chấp hành viên đang được giao phụ trách giải quyết hồ sơ. “Chúng tôi mong các bị hại chia sẻ với áp lực của cơ quan thì hành án, ai đã có hồ sơ sẽ được nhận lại tiền", ông Bình nói.

Được biết, từ giữa tháng 4, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã có thông báo về việc bố trí khu vực tiếp công dân tập trung từ 200 đến 300 lượt người/ngày để hoàn tiền cho các đương sự. 

cuc-thi-hanh-an-dan-su-ha-noi-1720360495135-1721458391.jpg
Các nhà đầu tư mong ngóng sớm nhận lại được tiền

Gần 2 tháng qua, tổ công tác của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội luôn phải có mặt tại cơ quan (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) từ rất sớm để tiếp đón người dân, hướng dẫn thủ tục yêu cầu thi hành án thuận lợi, nhanh chóng nhất. 

Trước đó, tại phiên sơ thẩm ngày 27/3, Toà án nhân dân TP Hà Nội tuyên Chủ tịch Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng án 8 năm tù, Đỗ Hoàng Việt - con trai ông Dũng nhận 3 năm tù về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Toà ghi nhận thái độ thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả của các bị cáo. Đặc biệt, cha con ông Dũng đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng. Cùng với số tiền bị nhà chức trách thu giữ ở giai đoạn điều tra, HĐXX xác nhận toàn bộ hậu quả vụ án, hơn 8.600 tỷ đồng đã được khắc phụ. 

Khoản này được toà tuyên sẽ trả lại cho 6.630 bị hại đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Riêng với đề nghị trả lãi, HĐXX không chấp nhận. 

Các bị cáo đều thừa nhận hành vi và cho rằng động cơ phạm tội là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không cố ý lừa đảo người mua trái phiếu, không ngờ hậu quả lại lớn đến vậy.