Quy mô thị trường dự kiến vượt mốc 30 tỷ USD sau 5 năm nữa, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trung tâm bán dẫn của Đông Nam Á?

Theo ước tính của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11,48%. Đến năm 2029,  quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 31,39 tỷ USD.

3 thành tựu lớn Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực bán dẫn

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng của công nghệ hiện đại, mà hơn thế nữa, còn là yếu tố cốt lõi quyết định đến sức mạnh của nền kinh tế số, quyết định đến sự phát triển của các ngành công nghệ đột phá, từ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đến tự động hoá.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp về địa chính trị thế giới đã thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện ổn định và bền vững hơn.

Tại Tọa đàm “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, sự kiện nằm trong khuôn khổ Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 – SEMIExpo Viet Nam 2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

 

Toàn cảnh Tọa đàm “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu” sáng 7/11

“Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một cường quốc bán dẫn trong khu vực”, ông KC Ang, Chủ tịch Global Foundries khu vực châu Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Ban cố SEMI khu vực Đông Nam Á phát biểu.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam cho hay, lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam đã phát triển ở Việt Nam trong một khoảng thời gian tương đối dài. Chỉ riêng trong 1 năm vừa qua, theo ông Đạm, Việt Nam đã đạt được 3 thành tựu lớn.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch chiến lược rất rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam trong ngắn, trung hạn và dài hạn. Trong đó phải kể đến “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050”, hay như Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

“Đây là một kế hoạch chiến lược rất rõ ràng, giúp các công ty và viện nghiên cứu có thể theo sát và phát triển. Đây là thành tựu đầu tiên bởi chúng ta đã biết rõ hướng đi”, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam đánh giá.

 

Ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam

Thành tựu thứ hai đến từ những tín hiệu tích cực trong việc phát triển nguồn lực lao động. Lãnh đạo Marvell Việt Nam thông tin, từ tháng 9/2023 đến nay, số lượng chương trình đào tạo mới kỹ sư và công nhân lành nghề cho ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học cũng như số lượng học sinh tham gia vào các chương trình này đã tăng lên rõ rệt.

 
 

Thành tựu thứ ba là số lượng các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã tăng đáng kể. Theo ông Đạm, số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã tăng tăng khoảng 20-30%.

“Tôi tin rằng ba thành tựu này thực sự cho thấy cam kết phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và làm cho ngành viễn thông của Việt Nam trở nên rất cạnh tranh và đổi mới”, lãnh đạo  Marvell Việt Nam nhấn mạnh.

Việt Nam có những lợi thế gì so với các nước trong khu vực trong lĩnh vực bán dẫn?

Theo ước tính của SEMI, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11,48%. Đến năm 2029,  quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 31,39 tỷ USD.

Phân tích cụ thể về lợi thế của Việt Nam tại Tọa đàm, ông Lê Đăng Dũng, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Sovico, nguyên quyền Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, về mặt địa chính trị, Việt Nam nằm ở trung tâm của mạng lưới bán dẫn, nơi chiếm 70% tổng sản lượng bán dẫn toàn cầu.

Ông Lê Đăng Dũng, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Sovico, Nguyên quyền Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam hiện nằm trong số các quốc gia phát triển nhanh nhất. Với dân số 100 triệu người và tỷ lệ người trẻ cao, Việt Nam nắm giữ nguồn nhân lực rất lớn, tài năng trong các lĩnh vực khoa học, hóa học, công nghệ và thông tin, là nguồn lực quý báu cho phát triển ngành bán dẫn. Ngoài ra, đất nước còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú cần thiết cho sản xuất bán dẫn.

“Một điểm quan trọng nữa là chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của chính phủ hiện nay đã rất rõ ràng và quyết tâm. Do đó, tôi tin rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực này”, ông Dũng cho hay.

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành bán dẫn, ông Dũng cho rằng, Việt Nam cần học hỏi từ những quốc gia thành công khác, nơi chính phủ cam kết mạnh mẽ thông qua việc đầu tư tài chính lớn cho phát triển ngành bán dẫn.

“Đây là điều tôi nghĩ Việt Nam cần học hỏi. Thêm vào đó, các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính ở Việt Nam cũng cần phải được đẩy mạnh”, ông Dũng cho biết.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp Việt Nam, trước bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, nhiều chuyên gia quốc tế đều kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, cụm lắp ráp… cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, từ đó ngày càng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu.

“Với chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện vào năm 2050, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sáng tạo năng động và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Chủ tịch Hội đồng tư vấn khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á, Global Foundries, ông KC Ang đánh giá.