Biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn máu, áp-xe vì tự nặn mụn tại nhà

Việc nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh. Đặc biệt, với mụn ở vùng mặt càng cần phải cẩn trọng bởi nơi đây có vùng tam giác nguy hiểm.

Ngày 30/7, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nơi đây đang điều trị cho một nam bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết vì nặn mụn. Bệnh nhân năm 2005 tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng sốt 38,5 độ, kèm các cơn rét run, vùng má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế; khó thở nhẹ, đau tức ngực, hỗ trợ thở oxy.

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước nhập viện, bệnh nhân đã dùng tay nặn mụn ở mép môi dưới. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt 38 độ, có gai rét và cơn rét run. Gia đình đã mua thuốc hạ sốt cho bệnh nhân uống, nhưng không đỡ.

nan-mun-1722341129.jpg
Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết chỉ từ vết nặt mụn dưới miệng (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, theo kết quả xét nghiệm, chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do staphylococcus aureus, có ổ nhiễm khuẩn thứ phát viêm phổi hoại tử 2 bên.

Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, ông L.V.T. (40 tuổi, ngụ Đồng Nai) cũng đã phải vào Bệnh viện Đồng Nai vì tự ý nặn mụn tại nhà. Theo đó, khoảng một tuần trước khi nhập viện, ông T. thấy trên mũi có một nốt mụn kèm ngứa nên lấy tay nặn. Thấy chỗ nặn bị sưng, ông đã mua thuốc về uống. Tuy nhiên, sau 3 ngày uống thuốc, sưng phù không đỡ mà còn có dấu hiệu nặng hơn khi mụn mủ căng nhiều, đau nhức, lan toàn bộ mũi và vùng mặt phải.

Ông T. đến cơ sở y tế gần nhà điều trị 3 ngày tiếp theo, nhưng mặt và mí mắt vẫn tiếp tục sưng nhiều hơn. Lo lắng, ông T. đã đến Bệnh viện Đồng Nai 2 thăm khám. Tại đây, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị tổn thương nặng vùng mũi má, tháp mũi bị viêm loét, xuất hiện 3 lỗ rò mủ, da tháp mũi và xung quanh bầm tím, sưng căng vùng mũi má bên phải và mí mắt. Các bác sĩ chẩn đoán, ông T. bị viêm áp-xe tháp mũi lan vùng mũi má, hoại tử sụn, viêm mô tế bào vùng mặt.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đăng Lộng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đồng Nai cho biết, bệnh nhân T. được vệ sinh vùng da tổn thương, kết hợp dùng khám sinh. Tuy nhiên, những ngày đầu điều trị, tình trạng của bệnh nhân không tiến triển, xuất hiện kháng kháng sinh. Sau khi đánh giá lại, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị vi khuẩn tụ cầu gây áp-xe kháng nhiều loại thuốc, nên đã điều chỉnh phác đồ kháng sinh phù hợp.

nan-mun-2-1722341129.jpg
Ông T. điều trị tại bệnh viện (Ảnh: CDC Đồng Nai)

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh chia sẻ, mụn là tổn thương ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây ra mụn nhọt là do bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông, với biểu hiện là những vết sưng đỏ, mềm, có mủ trắng ở đầu. Khi mụn hình thành, lỗ chân lông sưng lên. Việc nặn mụn có thể phá vỡ cấu trúc da, gây viêm và nhiễm trùng rộng hơn, phá hủy vòng viêm tại chỗ, hình thành những nốt mụn khác xung quanh.

Đặc biệt, với mụn ở vùng mặt càng cần phải cẩn trọng bởi nơi đây có vùng tam giác nguy hiểm. Để xác định vùng tam giác nguy hiểm trên mặt, có thể làm như sau: Đặt úp bàn tay, để đầu ngón tay giữa chạm xương mũi, lòng bàn tay ôm trọn vùng mũi, miệng và cằm. Khu vực này có rất nhiều tĩnh mạch nối các dây thần kinh giúp vận chuyển máu đến não. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van.

Khu vực tam giác bị viêm nhiễm có thể gây nên nhiều bệnh như nhiễm khuẩn huyết, liệt cơ vùng mặt, tổn thương dây thần kinh vùng mặt gây liệt cơ mặt, viêm màng não, thậm chí tử vong.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đăng Lộng cũng cho hay, nhiều người còn quá chủ quan nên thường nặn mụn không đúng cách và uống thuốc không theo toa bác sĩ kê, dẫn đến khối áp-xe lan phức tạp. Bác sĩ Lộng khuyến cáo, người dân không tự nặn mụn nếu thấy có dấu hiệu sưng, đỏ và đau, đặc biệt là vùng giữa mặt, mũi.