Chiêu trò của “cò” bất động sản đã có nhiều biến tướng

Một chiêu thức lừa đảo phổ biến từ trước đến nay trong thị trường bất động sản là quảng cáo "bán gấp giá rẻ", hoặc “mua nhanh không tăng giá”. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn biến tướng khác, nhằm lôi kéo những người cả tin, chẳng hạn như "mua gấp giá cao".

Thị trường bất động sản thời gian gần đây đã không còn lạ lẫm với câu chuyện giá chung cư liên tục được môi giới đẩy lên một cách nhanh chóng, có căn hộ tăng từ 500 triệu đến cả tỉ đồng sau vài tuần rao bán. Thậm chí, có nhiều môi giới lợi dụng tình hình này để đưa ra những “chiêu trò” khác.

Người bán, người mua luôn trong tình trạng “gấp”

Chị Vân Anh, đang tìm mua một căn hộ tại chung cư Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), được một môi giới tên Hương giới thiệu căn hộ diện tích 89m², gồm 3 phòng ngủ và 2 phòng vệ sinh, với giá bán 4,35 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu, chị phát hiện hai môi giới đưa ra mức giá khác nhau cho cùng căn hộ, một người thấp hơn 50 triệu đồng, trong khi người kia lại báo giá cao hơn cả 100 triệu.

Tương tự, chị Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang có nhu cầu mua nhà, cho biết vào đầu tháng 8, chị đã hỏi mua một căn chung cư rộng 72m2 gồm 2 phòng ngủ, nằm trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội).

Môi giới đưa ra mức giá 3,1 tỷ đồng, tương đương khoảng 43 triệu đồng/m2. Khi tới xem nhà, chị thấy căn hộ chỉ có nội thất cơ bản. Đến đầu tháng 9, cùng căn hộ đó được môi giới chào bán với giá 3,9 tỷ đồng, tăng 800 triệu đồng chỉ sau một tháng.

nha-chung-cu-1728708080.jpg
Thị trường nhà ở xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn biến tướng của môi giới nhằm lôi kéo những người cả tin

Môi giới giải thích rằng vì căn hộ nằm ở tầng trung, dự án sát mặt đường lớn, gần tàu điện trên cao, cùng với việc chủ nhà đã đầu tư thêm nội thất, nên việc tăng giá 800 triệu đồng là "chuyện bình thường". Đặc biệt, chủ nhà cần tiền gấp mới bán với giá đó, nếu khách hàng không mua ngay sẽ phải mua ở mức giá cao hơn nữa.

Đặc biệt, mới đây, một người  mua nhà ở TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, mới mua một căn hộ tại đây với giá 2,1 tỷ đồng. Trước khi kịp dọn vào ở, người này bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một nhân viên môi giới bất động sản thông báo rằng có người muốn mua lại căn hộ của tôi với giá 2,6 tỷ đồng, tức là lời 500 triệu.

Nghe quá hấp dẫn, người này đồng ý ngay lập tức và hẹn thời gian làm thủ tục với môi giới. Tuy nhiên, khi đến điểm hẹn thì đây là khu vực hoàn toàn vắng vẻ, chưa có văn phòng công ty nào mở cửa. Theo tìm hiểu, người này được biết đã có rất nhiều người khác cũng từng nhận được lời mời “mua gấp với giá cao”, nhưng sau đó đều được đưa đi đến những địa điểm không rõ ràng.

Không ai thừa tiền chấp nhận mua đắt cả tỉ đồng

Cũng theo người bán nhà tại TP Thủ Đức, qua tìm hiểu, những người rơi vào trường hợp tương tự đều bị cuốn vào kịch bản lừa đảo quen thuộc: Một "khách hàng tiềm năng" xuất hiện, tỏ ra muốn mua căn hộ nhanh chóng với giá cao, rồi dụ dỗ người bán đi xem dự án để chốt giao dịch.

Những người nhẹ dạ cả tin thường bị đưa lên xe để "xem dự án". Sau đó, họ bị đưa đi xa đến những địa điểm không rõ ràng và trải qua các buổi thuyết phục tâm lý mệt mỏi. Một số nạn nhân thậm chí còn bị đe dọa, bị đặt vào tình huống không thể phản kháng và buộc phải đặt cọc tiền để "không bỏ lỡ cơ hội".

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, các "bẫy" trong thị trường bất động sản liên tục biến tướng với nhiều hình thức và chiêu trò mới. Tuy nhiên, khi có nhu cầu mua bất động sản thực sự, ai cũng sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng về giá cả thị trường, không ai thừa tiền đến mức trả giá chênh lệch vài trăm triệu hay cả tỷ đồng so với giá thị trường để mua 1 căn nhà..

gia-chung-cu-1728708166.jpg
Không ai thừa tiền để mua chênh cả tỉ đồng 1 căn hộ

Theo ông, những người mua nhà nghiêm túc đều muốn trực tiếp đến xem tình trạng căn nhà, kiểm tra sổ đỏ, và gặp gỡ chính chủ để trao đổi cụ thể. Ông Thịnh cũng cảnh báo rằng ngoài việc dụ dỗ đi xem dự án, chiêu thức "mua gấp giá cao" còn được một số đối tượng sử dụng để thổi giá.

Các bên lừa đảo thường phối hợp với nhau để giả làm người mua và người bán, đẩy giá lên cao nhằm lôi kéo môi giới hoặc bên thứ ba rơi vào bẫy. Nhất là trong bối cảnh thị trường đang trong cơn sốt giá sẽ là cơ hội cho các  chiêu trò lừa đảo phát triển, dễ đánh vào tâm lý những người nhẹ dạ, cả tin.

Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng giám đốc G-Home, cho biết rằng trong một năm qua, giá chung cư tại Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới, tương đương với TP.HCM. Đối với nhiều người, sự tăng giá này là một "cú sốc" khi trong thời gian ngắn, giá một số căn hộ đã tăng gần gấp đôi.

"Nhưng cũng có nhiều trường hợp lợi dụng tình hình này. Các môi giới bất động sản liên kết để đẩy giá cục bộ, bất chấp nhu cầu thực tế và số lượng giao dịch tại khu vực không nhiều, khiến khách hàng theo tâm lý đám đông bị lừa và mua vì lo ngại giá sẽ tiếp tục tăng," ông Nam cảnh báo.