Bữa ăn cháo loãng, mì tôm gây xôn xao ở một trường mầm non và câu chuyện đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ

Hiện nay nhiều trường học đã áp dụng phần mềm tính dinh dưỡng, tức là có thể tính rất chi tiết tổng lượng thức ăn trong ngày của trẻ, sự cân đối giữa ba nhóm chất, vitamin và muối khoáng. Do đó, không thể chấp nhận tồn tại của một cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ ăn mì tôm, cháo loãng nhiều lần như vậy.

Suất ăn cho trẻ khiến phụ huynh xót xa

Mới đây, mạng xã hội dậy sóng trước bài đăng của chị M.A chia sẻ việc trường mầm non, nơi con chị đang học, cho học sinh hơn 1 tuổi ăn mì tôm 2 lần một tuần. Cùng với nội dung này là ảnh chụp mâm có 8 bát mì "không người lái" với vài hộp caramen, video các bữa ăn chỉ có bát mì trắng, cháo rau xay loãng...

Cơ sở mầm non này sau đó được xác định là Nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập Zing Zing (quận Đống Đa, Hà Nội). Chị M.A cho biết, trẻ thường được cho ăn mì tôm vào bữa phụ lúc 14h30. Hình ảnh những bữa ăn do chính giáo viên của trường cung cấp. Do bức xúc với suất ăn thiếu dinh dưỡng của trường và từng ý kiến với chủ trường nhưng không được ghi nhận, giáo viên này đã gửi hình ảnh cho phụ huynh. Sau đó, cô đã bị cho nghỉ việc.

mam-non-2-1723294119.jpg
Bữa xế lúc 14h30 của trẻ là mì tôm không

Chị H.A bức xúc, mỗi tháng chị đóng phí 4,35 triệu đồng, trong đó riêng tiền ăn là 50.000 đồng/ngày. Con chị M.A. hiện hơn 2 tuổi, đã học tại đây được 1 năm. Khi nhận được hình ảnh từ giáo viên, chị M.A. đã nhắn tin hẹn "hiệu trưởng" (chủ nhóm lớp mầm non độc lập) với mong muốn được đối chất để làm rõ sự việc nhưng "hiệu trưởng" tránh né không gặp.

Cơ sở giáo dục mầm non độc lập này được thành lập vào tháng 6/2023, do bà Hoàng Thị Thuý làm chủ. Quy mô nhóm lớp của cơ sở này gồm trẻ từ 12 - 24 tháng, mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ. Cơ sở có 4 giáo viên đang trực tiếp chăm sóc trẻ và 1 nhân viên phục vụ công tác nuôi dưỡng.

Sau khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, quận Đống Đa đã lập đoàn kiểm tra cơ sở mầm non này và phát hiện thêm nhiều vi phạm khác trong quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ. Hiện cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động từ ngày 9/8.

Nhằm bảo đảm ổn định cho cha mẹ học sinh có nơi gửi con khi cơ sở tạm dừng hoạt động, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa đề nghị UBND phường Phương Mai phối hợp ngành Giáo dục hỗ trợ, liên hệ với các cơ sở công lập trên địa bàn để tiếp nhận trẻ.

mam-non-4-1723294119.jpg
Trẻ chỉ được cho ăn cháo loãng

Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo dinh dưỡng

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với Báo Dân Việt, tiến sĩ Chu Thị Hồng Nhung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, trẻ em từ 0 - 6 tuổi là giai đoạn vàng phát triển. Do vậy, gia đình và nhà trường cần tạo điều kiện tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện.

Phát triển thể chất là một trong những điểm quan trọng của giáo dục mầm non. Việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý đủ năng lượng là vô cùng cần thiết với trẻ trong giai đoạn này.

Chương trình giáo dục mầm non quy định rất rõ, nhà trường cần cung cấp cho trẻ một ngày là bao nhiêu calo, cần cân đối giữa các chất P (protein), L (lipit), G (gluxit) như thế nào... Thế nên, trong vụ việc trên, cho trẻ ăn mì tôm hay cháo loãng sẽ không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Mặt khác, trong mì tôm còn có nhiều chất không tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

Trẻ ăn uống không đủ dinh dưỡng trong thời gian dài sẽ dẫn đến thiếu chất, từ đó bị suy dinh dưỡng. Điều này cản trở đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Theo tiến sĩ Nhung, hiện nay nhiều trường học đã áp dụng phần mềm tính dinh dưỡng, tức là có thể tính rất chi tiết tổng lượng thức ăn trong ngày của trẻ, sự cân đối giữa ba nhóm chất, vitamin và muối khoáng. Do đó, không thể chấp nhận tồn tại của một cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ ăn mì tôm, cháo loãng nhiều lần như vậy.

Tiến sĩ Nhung đưa ra lời khuyên, các gia đình khi chọn trường cho con cần tìm hiểu cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện trông giữ trẻ hay không, đội ngũ giáo viên của trường thế nào... Đặc biệt, bố mẹ không nên gửi con tại những nhóm trẻ không được cấp phép.