Trong nhiều năm qua, việc chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì chung cư vẫn là chủ đề nóng, thậm chí là nguồn cơn của các cuộc tranh chấp tại các chung cư. Dù đã có chế tài xử lý nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình "ôm" quỹ bảo trì chung cư không bàn giao lại cho ban quản trị.
Theo một thống kê, đến giữa năm 2024, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. HCM có tới 227 chung cư chưa bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân, trong đó có 34 trường hợp cố tình không bàn giao, chậm và bàn giao không đầy đủ.
Điển hình như tại chung cư Topaz Home (quận 12), dù lãnh đạo UBND quận đã nhiều lần mời làm việc và yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Thuận Kiều nhanh chóng bàn giao hồ sơ pháp lý, quỹ bảo trì cho ban quản trị cư dân nhưng doanh nghiệp vẫn không chấp hành. Ngay cả khi bị xử phạt hành chính 270 triệu đồng vào tháng 8/2023 nhưng đến nay Thuận Kiều thậm vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Đạm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Luật Nhà ở 2023 vừa có hiệu lực đã có nhiều quy định mới “gỡ bức xúc” cho cư dân sống ở chung cư trước tình trạng chủ đầu tư “găm” quỹ bảo trì.
Theo ông Đạm, Luật Nhà ở 2014 cũng đã có quy định về việc chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư, nếu không sẽ cưỡng chế. Tuy nhiên các quy định còn chung chung, thiếu cơ sở để thực hiện dẫn đến nhiều vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.
Theo quy định tại luật mới, sau khi có quyết định công nhận, ban quản trị nhà chung cư sẽ mở tài khoản tại ngân hàng, đề nghị chủ đầu tư chung cư bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư và sau 30 ngày, chủ đầu tư và ban quản trị thống nhất quyết toán số liệu. Sau đó, chủ đầu tư chuyển phần kinh phí bảo trì và lãi phát sinh snag tài khoản do ban quản trị lập.
Nếu chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì chung cư, UBND cấp huyện nơi có nhà chung cư có quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh phí bảo trì và thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì từ chủ đầu tư sang cho ban quản trị nhà chung cư.
“Quá trình cưỡng chế nếu phát hiện chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có dấu hiệu tội phạm thì UBND cấp huyện gửi kiến nghị, kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Đạm cho biết.
Đối với trình tự, thủ tục cưỡng chuế, Nghị định 95/2024 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã quy định rõ ràng về thời gian UBND cấp huyện được cưỡng chế từ tài khoản chung hoặc từ tài khoản kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đã lập, sau 10 ngày có thông báo bàn giao. Nếu chủ đầu tư chưa nộp, hoặc nộp không đầy đủ kinh phí bảo trì (cho căn hộ hoặc diện tích mà chủ đầu tư giữ lại) thì thực hiện cưỡng chế từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư.
Sau khi cưỡng chế tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư mà ban quản trị vẫn chưa nhận đủ phí bảo trì thì UBND cấp huyện sẽ cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì.