Công nhân gặp nhiều “chông gai” khi đưa con lên thành phố đi học

Chị Tâm bộc bạch, công nhân tỉnh lẻ như chị tại TP. HCM đều không có hộ khẩu, cũng khó làm tạm trú dài hạn. Trường hợp muốn làm loại giấy tờ này cũng không biết quy trình thế nào. May mắn, chủ trọ chỗ chị thuê tốt bụng, giúp đỡ vợ chồng chị làm thủ tục giấy tờ tạm trú để xin học được cho con.

Sau nhiều đắn đo, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (quận 8, TP. HCM) đã quyết định đón con lên học. Chị Tâm cho biết, vợ chồng chị cùng quê Đồng Nai, vào TP. HCM làm công nhân đã nhiều năm. Vợ chồng chị có 1 con trai, trước đây gửi ở quê nhờ ông bà nội chăm. Năm nay bé vào lớp 1, chị lo lắng con ở quê, ông bà không kèm cặp con học được. Do đó, dù biết sẽ vất vả hơn nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm đón bé lên TP. HCM để đi học.

Chị Tâm bộc bạch, công nhân tỉnh lẻ như chị tại TP. HCM đều không có hộ khẩu, cũng khó làm tạm trú dài hạn. Trường hợp muốn làm loại giấy tờ này cũng không biết quy trình thế nào. May mắn, chủ trọ chỗ chị thuê tốt bụng, giúp đỡ vợ chồng chị làm thủ tục giấy tờ tạm trú để xin học được cho con.

dua-con-di-hoc-1-1724734188.jpg
Nhiều công nhân lo lắng không sắp xếp được thời gian đưa đón đi học khi con lên thành phố sống cùng

Cùng khu trọ với chị Tâm, chị Trần Thị Loan (quê Cà Mau) cho biết, vợ chồng chị có 2 con, trước đây cũng gửi ở quê với ông bà. Năm ngoái, cô con gái lớn đến tuổi vào lớp 1. Ban đầu, vợ chồng chị bàn tính chỉ đón con lớn lên, nhưng thấy như thế thì thiệt thòi cho con nhỏ nên đã đón cả hai bé lên sống cùng.

Chị Loan bảo, từ ngày các con lên ở cùng, chị phải xin không tăng ca để có thể đưa đón con đi học. Nhưng thời gian gần đây, đơn hàng của công ty chị nhiều hơn nên nhiều hôm vẫn phải tăng ca, đón con muộn. Chị kể, bé Hạnh - con gái thứ 2 dù đã quen với việc đón muộn, nhưng vẫn mếu máo mỗi khi thấy bạn bè lần lượt đi về. Bé luôn là bạn cuối cùng rời trường.

Rời quê lên TP. HCM làm công nhân, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tân (làm công nhân trên địa bàn quận Tân Bình, TP. HCM) phải gửi con cho ông bà chăm sóc từ khi 1 tuổi. Nhiều năm sống xa con, vợ chồng anh quyết định đón con lên thành phố ở cùng. Anh Tân cho biết, con gái đã đến tuổi đi học, ông bà ở quê cũng lớn tuổi nên vợ chồng anh muốn đón cháu lên sống chung để tiện chăm sóc.

Anh Tân bộc bạch, với thu nhập của hai vợ chồng, phần học phí, sách giáo khoa, đồ dùng học tập… cho con không phải là gánh nặng. Điều vợ chồng anh đang lo lắng là việc đưa đón con. Vào những ngày làm việc bình thường, vợ chồng anh tan ca sẽ ghé qua trường đón con. Nhưng vào những lúc phải tăng ca, việc đón con, lo chuyện ăn uống sẽ như thế nào... chưa tính toán được vì các trường học thường không nhận giữ trẻ ban đêm.

dua-con-di-hoc-1724734188.jpeg
Nhiều công nhân đưa con lên ở cùng để tiện kèm cặp chuyện học hành

Chị Nguyễn Thị Hương (quận Tân Bình) cũng quyết định đón con lên thành phố sống chung. Chị Hương cho hay, chị đón con lên vì muốn tiện theo dõi việc học hành. Ở quê cũng có trường, nhưng do ông bà lớn tuổi, không thể kèm cặp cháu học tập. Vợ chồng chị đã tìm được trường và làm hồ sơ từ rất sớm.

Tuy nhiên, hiện chị Hương cũng có nỗi lo giống anh Tân về sắp xếp thời gian đưa đón con đi học. Chị Hương bảo, vợ chồng chị đã rất đắn đo mới quyết định đưa con lên thành phố ở cùng. Ở gần con thì tiện chăm sóc nhưng khó khăn trước mắt là vợ chồng sắp xếp làm sao để tiện đưa đón con. Vợ chồng chị lại làm chung công ty nên nếu tăng ca thì thường trùng nhau. Việc này càng khiến sắp xếp thời gian hợp lý khó khăn hơn.

TP. HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với gần 278.000 công nhân. Trong đó, trên 53% là nữ và phần lớn ở độ tuổi sinh con. Tuy vậy, nội bộ và liền kề các khu công nghiệp chỉ mới có hơn 20 trường trường mầm non, đáp ứng chỗ học cho gần 8.900 trẻ.

Phần lớn các công nhân làm việc tại TP. HCM không có hộ khẩu, không có tạm trú dài hạn. Để xin cho con học trường công, đây lại là yếu tố bắt buộc. Biết được khó khó khăn này của công nhân, không ít chủ nhà trọ cho phép công nhân nhập hộ khẩu vào gia đình hoặc chủ động đăng ký tạm trú dài hạn. Dù vậy, con đường để con công nhân học trường công vẫn lắm chông gai.