Liên tiếp các vụ tin giả bị phanh phui
Ngày 13/2, Công an quận 1 (TP. HCM) thông báo đang củng cố hồ sơ để xử lý chị Hồ Thị Xuân (38 tuổi, quê Lâm Đồng) về hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 10/2, một clip lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dân mạng vô cùng xót xa và thương cảm. Trong clip, một người phụ nữ ôm con khóc nức nở trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), kể rằng mình bị dàn cảnh móc túi, mất hết tiền. Câu chuyện đã làm lay động nhiều người, khiến họ ngay lập tức chuyển khoản giúp đỡ.

Sau đó, Công an phường Bến Nghé (quận 1) đã phối hợp với đội cảnh sát hình sự để xác minh thông tin này. Trích xuất hình ảnh từ các camera an ninh tại bệnh viện và các cơ sở gần cổng, cảnh sát xác nhận vào khoảng 4h30, người phụ nữ trong video đã bế con vào bệnh viện. Trong suốt ngày hôm đó, bà Xuân tiếp tục di chuyển xung quanh bệnh viện, rồi bắt xe ôm về hướng Nguyễn Du – Hai Bà Trưng vào chiều muộn.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định người phụ nữ trong clip là chị Hồ Thị Xuân đến từ xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, nên đã mời về làm việc. Tại cơ quan công an, chị Xuân thừa nhận nội dung đoạn video là sai sự thật. Trong quá trình di chuyển từ bến xe Miền Đông đến Bệnh viện Nhi đồng 2, chị đã vô tình làm mất số tiền 9,5 triệu đồng. Việc đăng tải đoạn video nhằm mục đích kêu gọi sự giúp đỡ tài chính để chữa bệnh cho con, không có mục đích gian dối khác.
Sau khi kêu gọi sự hỗ trợ, chị Xuân đã nhận được tổng cộng hơn 28,6 triệu đồng. Chị đã trả viện phí và các chi phí đi lại khoảng 1 triệu đồng, còn lại trong tài khoản ngân hàng là 27,3 triệu đồng. Trước khi nhận được sự quyên góp, trong tài khoản của chị chỉ có 256.000 đồng.
Vào ngày 11/2, mạng xã hội lại xôn xao khi lan truyền thông tin về một vụ bắt cóc trẻ em ở Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Sau khi công an vào cuộc làm rõ, các cơ quan báo chí đã xác nhận đây là thông tin sai sự thật, không hề có vụ bắt cóc trẻ em như trong các bài viết.
Hay vào ngày 7/2, thông tin về việc một học sinh lớp 4 ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bị bắt cóc khi đi học về cũng khiến dân mạng lo lắng. Tuy nhiên, công an địa phương cũng đã bác bỏ thông tin này.
Những sự việc trên chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều tin giả lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây. Người dùng mạng xã hội hiện nay phải đối mặt với vô vàn thông tin sai lệch và thiếu kiểm chứng.

Không cần xem xét hậu quả để xử lý nghiêm
Thời gian qua, nhiều vụ việc tung tin giả đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tin giả vẫn tiếp tục tồn tại và lan rộng. Hậu quả của tin giả là rất nghiêm trọng. Nhiều người cho biết đã hoảng loạn, lo lắng, thậm chí ăn không ngon, ngủ không yên khi tin vào những thông tin sai lệch, bịa đặt.
Có không ít người đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, mất tiền oan vì vội vàng tin vào những tin đồn thất thiệt. Ngoài ra, còn có nhiều hệ lụy khác do tin giả gây ra, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và đời sống xã hội.
Theo luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, việc tố giác sai sự thật, điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cơ quan điều tra. Cụ thể, theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi tiếp nhận tố giác, cơ quan điều tra có 20 ngày để xác minh nội dung tố giác, bao gồm các công việc như lên kế hoạch xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và thông tin từ những người liên quan, khám nghiệm hiện trường...
Luật sư Huyền nhấn mạnh, việc cung cấp thông tin giả sẽ làm lãng phí thời gian, công sức và nhân lực của cơ quan điều tra. Người dân cần nâng cao ý thức và cẩn trọng khi khai báo, tránh gây lãng phí tài nguyên của các cơ quan công vụ.
Ngoài ra, nếu người báo tin giả nhận thức rõ thông tin họ cung cấp là sai sự thật hoặc cố ý bịa đặt, dựng chuyện để tố cáo nhằm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, với mức án cao nhất lên tới 7 năm tù. Bên cạnh đó, họ còn có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Trong khi đó, tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, hiện nay các đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện tại chưa đủ mạnh để răn đe, dao động từ 5 đến 10 triệu đồng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng chủ yếu áp dụng mức phạt khoảng 7,5 triệu đồng.
Ngoài ra, hiện chưa có các quy định rõ ràng và cụ thể để xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Đưa ra ví dụ về việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, Bộ trưởng đặt vấn đề mức độ xúc phạm đến đâu mới được coi là nghiêm trọng. Theo ông, chỉ cần hành vi bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, Bộ Công an kiến nghị không cần phải xem xét hậu quả của hành vi để có thể xử lý các vi phạm một cách răn đe hiệu quả hơn.