Nguy cơ từ giá đỗ “ngậm” hóa chất trong bữa cơm gia đình

Tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng trở nên phổ biến và đáng lo ngại, đặc biệt là trong việc sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất cấm. Sự hiện diện của hóa chất độc hại như 6-Benzylaminopurine trong thực phẩm không chỉ gây ra nguy cơ ngộ độc cấp tính mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe lâu dài.

Dùng hóa chất sản xuất giá đỗ

Tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm đã trở thành mối lo ngại lớn với người tiêu dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các loại rau củ. Mới đây, Công an TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã khởi tố Vũ Văn Tuấn (29 tuổi) và Đào Văn Lập (35 tuổi) vì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đây là chủ của 2 cơ sở sử dụng chất kích thích tăng trưởng thực vật để sản xuất giá đỗ, cung ứng ra thị trường hàng trăm kg giá đỗ mỗi ngày.

Vào tháng 3/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở của 2 người này việc sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine (6-BA) để sản xuất giá đỗ, nên đã tiến hành xử phạt. Tuy nhiên, ngay sau khi hết thời gian xử phạt, cả hai cơ sở tiếp tục vi phạm, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng để trục lợi.

gia-do-1-1730767678.jpg
Cơ sở tại Quảng Ngãi sử dụng hóa chất cấm để sản xuất giá đỗ

Đây không phải lần đầu có cơ sở sử dụng hóa chất để sản xuất giá đỗ bị phát hiện. Trước đó, vào ngày 26/12/2023, Công an TP. Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 3 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn các phường Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn. Lực lượng chức năng phát hiện, mẫu giá đỗ tại hai cơ sở thuộc quận Cẩm Lệ có dấu hiệu sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm nên đã lấy mẫu đưa đi xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu giá đỗ tại cơ sở số 168 Võ Văn Ngân và số 124 Hoàng Hiệp, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có chứa hóa chất kích thích tăng trưởng 6-Benzylaminopurine.

Những vụ việc như trên khiến người tiêu dùng e ngại mua giá đỗ làm sẵn về sử dụng. Như tại TP. HCM, nhiều người tiêu dùng hiện có xu hướng chọn loại giá đỗ có hình dạng “xấu, gầy” thay vì loại “giá không chân, tròn, mập” vì tin rằng an toàn hơn. Bà N.T.P - chủ một quầy rau tại TP. Thủ Đức chia sẻ, người bán lẻ và người mua không thể phân biệt được giá đỗ được trồng bằng phương pháp nào. Do đó, bà dựa trên sự tin tưởng, chọn nhập hàng từ mối quen.

Trong khi đó, chủ một sạp hàng khác khẳng định, giá đỗ được lấy từ Bình Định gửi vào TP. HCM, nên có giá bán cao hơn. Giá đỗ này được gieo ủ trên cát ven sông nên rất sạch và an toàn. Để làm giá đỗ đạt chất lượng, cần kỹ thuật tốt, nếu không sẽ bị hỏng hoặc hình thức xấu, khó tiêu thụ.

Hiện tại, chưa có bộ kit test nhanh nào dùng để phát hiện hóa chất trong giá đỗ, phổ biến chỉ có các kit test dành cho kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong trái cây, hàn the, phẩm màu, formol, nitrit, methanol trong rượu...

PGS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, cơ quan quản lý luôn giám sát các nguy cơ và thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đối với các loại thực phẩm, rau củ, bao gồm cả giá đỗ. Bà nhấn mạnh TP. HCM, không chờ đến khi sự việc xảy ra ở địa phương khác mới phản ứng, mà công tác giám sát, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc theo quy định.

gia-do-1730767678.jpg
6-Benzylaminopurine là hóa chất thường được sử dụng sản xuất giá đỗ

Sự nguy hại của hóa chất dùng sản xuất giá

Chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là một loại cytokinin tổng hợp đầu tiên, có tác dụng kích thích tăng trưởng tế bào. Hóa chất này tồn tại dưới dạng tinh thể hình kim, không màu và không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường.

Chất 6-Benzylaminopurine có khả năng kích thích cây phát triển, tạo cành, chồi mới, thúc đẩy quá trình ra hoa và giúp trái cây lớn hơn nhờ vào việc kích thích sự phân chia tế bào. Loại hóa chất này được coi như "thần dược" cho cây trồng khi giúp tăng sức đề kháng đối với bệnh tật, hạn hán và nhiệt độ lạnh. Ngoài ra, 6-Benzylaminopurine còn có khả năng ức chế enzyme kinase hô hấp trong thực vật, vì vậy chỉ cần phun hóa chất này sau thu hoạch sẽ giúp nông sản giữ được màu sắc tươi xanh lâu hơn.

Mặc dù được coi là "thần dược" trong việc kích thích tăng trưởng thực vật, 6-Benzylaminopurine lại là chất độc hại đối với động vật. PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP. HCM khẳng định, cần triệt để ngăn chặn việc sử dụng các chất cấm trong thực phẩm.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hóa chất 6-BA có thể gây kích ứng mắt, da và đường hô hấp khi tiếp xúc ở nồng độ cao. Tuy nhiên, tác động lâu dài của 6-BA trên con người vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sự phát triển của một số loài động vật.

ThS-BS CK1 Lê Thuận Linh - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện TP. Thủ Đức cho biết, giá đỗ “ngậm” hóa chất 6-BA rất khó loại bỏ hoàn toàn dù được rửa nhiều lần, do chất này không tan trong nước.

Khi phun chất này lên cây trồng, nông dân được khuyến cáo phải trang bị bảo hộ kỹ lưỡng để tránh kích ứng. Điều đó cho thấy chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cụ thể vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết, do đó chưa thể xác định rõ người dùng sẽ gặp hậu quả hay bệnh tật lâu dài như thế nào. Vì vậy, cần hết sức cẩn trọng.

Về quan niệm giá đỗ “ngậm” hóa chất là loại “không chân, không rễ”, bác sĩ cho rằng điều này cần được xem xét lại. Ngay cả khi sản xuất thủ công đúng kỹ thuật, giá đỗ vẫn có thể có hình dáng đẹp và ít rễ. Do đó, việc đánh giá bằng cảm quan để xác định giá đỗ có hóa chất có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở sản xuất và tiểu thương làm ăn chân chính.