Nhiều lao động chọn ở nhà dịp nghỉ lễ Quốc khánh để “đỡ tốn kém”

Kinh tế còn nhiều khó khăn nên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, nhiều công nhân, người lao động chọn ở lại khu trọ, không về quê cũng không đi du lịch nhằm tiết kiệm chi phí.

Chị Nguyễn Thị Nga đang làm công nhân tại một khu công nghiệp tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, vợ chồng chị không về quê để tiết kiệm chi phí. Chị Nga cho biết, quê chị ở Tuyên Quang, còn chồng chị ở Lai Châu. Vậy nên, nếu cả gia đình 4 người cùng về quê thì rất tốn kém. Không riêng gia đình chị, khu trọ cũng còn nhiều công nhân khác ở lại khu trọ, không đi du lịch cũng không về quê để tiết kiệm tiền.

Anh Lê Văn Chung (quê Thanh Hóa) cùng khu trọ với chị Nga cho hay, dịp nghỉ lễ dài ngày, đặt xe khó, giá cước cũng cao hơn. Do đó, anh quyết định ở nhà ăn lễ, vừa có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động lại vừa tiết kiệm. 4 ngày nghỉ lễ, anh Chung dành 3 ngày để nghỉ ngơi tại phòng trọ, còn 1 ngày cùng bạn bè vui chơi, ăn uống.

cong-nhan-1725239651.jpg
Một khu nhà ở công nhân vắng vẻ vì mọi người đi chơi, về quê dịp nghỉ lễ (Ảnh: Ngô Cường/Lao động)

Chị Nguyễn Thị Phương (quê Hà Giang) đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Dù doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ lễ 4 ngày, nhưng gia đình chị với 4 thành viên vẫn quyết định ở lại phòng trọ đón lễ. Chị Phương chia sẻ, vợ chồng chị đều làm công nhân, thu nhập thấp. Quê vợ chồng chị đều xa, đi lại rất tốn kém, còn đi chơi trong những ngày này giá cả đắt đỏ, nên gia đình chị chọn ở nhà.

Ông Phạm Văn Lước đã rời quê đến Long An làm công nhân được 13 năm. Trong các dịp lễ, gia đình ông thường chọn ở lại nhà trọ để tiết kiệm chi phí. Kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh năm nay cũng vậy. Ông chia sẻ, ông làm công nhân bốc xếp, còn vợ ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc cháu nội.

Con trai lớn của ông làm lơ xe hàng cho công ty. Con trai út và con dâu đều làm công nhân. Thu nhập hàng tháng của cả gia đình chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt và tiền thuê trọ. Nhìn mọi người về quê, ông cũng muốn lắm, vì ở quê còn mẹ già và anh em họ hàng. Nhưng cuộc sống khó khăn, mỗi lần về lại tốn kém nhiều, nên gia đình ông chọn ở lại để tiết kiệm cho các khoản phí khác.

cong-nhan-1-1725239652.jpg
Gia đình ông Lước không về quê dịp nghỉ lễ (Ảnh: An Nhiên/Long An)

Những ngày lễ, gia đình ông Lước không có kế hoạch gì đặc biệt, chủ yếu tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc mệt nhọc. Con dâu của ông, Chị Huỳnh Kim Ngân tâm sự, dù không có kế hoạch đi chơi, vợ chồng chị dự định làm một nồi lẩu đãi cả gia đình, cùng nhau đón lễ. Đây là dịp để mọi người gần gũi, trò chuyện và có một bữa cơm ấm áp bên nhau, vì ngày thường gia đình đều bận rộn, ít khi có dịp ăn chung đầy đủ các thành viên.

Trong khi đó, chị Trần Thị Thúy (quê Đồng Nai) đang làm công nhân trên địa vàn quận Bình Tân (TP. HCM). Là mẹ đơn thân, chị luôn cố gắng tiết kiệm tối đa các chi phí, nhất là thời điểm này còn trùng với đầu năm học mới của con, nên nghỉ lễ chị cũng không về quê.

Chị Thúy cho biết, chị thường đi làm từ 6h30 sáng đến 9h tối, nên đã rèn cho con mình tính tự lập từ khi còn nhỏ. Từ lớp 5, con chị đã tự đi học bằng xe đạp và tự giác làm bài tập về nhà. Vào chủ nhật, con chị đi học thêm, còn chị thỉnh thoảng phải tăng ca, nên hai mẹ con ít có thời gian bên nhau. Vì vậy, những ngày lễ và Tết, chị rất quý trọng những khoảnh khắc được ở bên con.

Chị Thúy dự định, trong những ngày lễ, chị sẽ dẫn con đi mua thêm dụng cụ học tập và nấu những món con gái thích ăn. Mặc dù không về quê, nhưng với kỳ nghỉ lễ dài, chị vẫn mong muốn tạo ra những kỷ niệm ý nghĩa và thời gian quý báu bên con.

Dù không thể trở về quê, việc ở lại nhà trọ trong dịp lễ cũng cho phép các công nhân có thời gian nghỉ ngơi và tạo nên những khoảnh khắc đón lễ ý nghĩa bên gia đình, người thân.