“Thùng mỳ Thạch Sanh” - cứ vơi lại đầy san sẻ khó khăn với người nghèo

avatar
Thùng mỳ tôm từ thiện này được một quán cơm tấm trên đường Ba Tháng Hai đặt đã được khoảng 4 tháng. Trên thùng kính trong suốt có tờ giấy in dòng chữ: "Mì gói từ thiện miễn phí cho người khó khăn, cơ nhỡ - Mỗi người 1 gói trong lúc đói".

Dừng lại trước vỉa hè đường Ba Tháng Hai (quận 10, TP. HCM), bà Lê Thị Tám lặng lẽ lấy 1 hộp mỳ trong thùng rồi qua bên cạnh cắm nước sôi. Thùng mì gói được đặt trước một quán cơm tấm, cạnh đó có bình nước lọc, ấm đun (cắm điện sẵn) phục vụ miễn phí cho bà con lao động.

Bà Tám năm nay đã 70 tuổi, làm nghề nhặt ve chai. Bà bảo, bà rời quê lên TP. HCM từ khi còn trẻ, đã gắn bó với thành phố này hàng chục năm. Thế nên, bà cũng đã được chứng kiến sự tử tế của con người nơi đây, dù rằng nó rất nhỏ. Như chuyện thùng mỳ từ thiện này chẳng hạn.

my-tu-thien-1-1718757896.jpg
Thùng mỳ miễn phí cho lao động nghèo, khó khăn (Ảnh: Châu Trần)

Bà Tám cho biết, khoảng 2 tháng trước, một người ở xóm trọ biết đến thùng mỳ này, rồi kể với bà. Từ đó, bà tới đây lấy mỳ ăn sáng, tiết kiệm thêm được chút tiền. Bà sống một mình. Mấy tháng nay, thời tiết nắng nóng nên bà chỉ tranh thủ sáng sớm và chiều muộn mát mẻ để đi nhặt ve chai. Tiền nhà, điện nước phải đóng cố định nên bà luôn cố gắng tiết kiệm từng nghìn.

Trong lúc bà Tám đang chờ nước sôi thì bà Hồ Thị Trân Châu (72 tuổi) cũng đi tới lấy mỳ sau 2 tiếng bán báo. Bà Châu chia sẻ, nửa tháng qua đã tiết kiệm được tiền ăn sáng theo cách này. "Bữa ăn nhỏ vậy chứ đỡ được nhiều lắm", bà nói.

Bà Châu mưu sinh bằng nghề bán báo và bánh mì dạo. Hàng ngày, bà ra đường lúc 5h sáng, nhịn đến 7h30 để tạt qua khu vực này nấu nước sôi, pha mỳ bữa sáng. Có hôm, bà mang mì gói về nhà ăn trưa.

my-tu-thien-3-1718757950.jpg
Thùng mỳ từ thiện được đặt trên đường Ba Tháng Hai (Ảnh: Dương Lan)

Ông Lê Văn Phi Bửu (55 tuổi) cũng thường xuyên đến lấy mì ở đây. Trước đây, ông từng làm thợ hồ nhưng bị bệnh tim nên phải nghỉ. Vài năm qua, ông nhặt ve chai và bán vé số kiếm sống, thu nhập mỗi ngày dao động từ 50.000 - 70.000 đồng. Ông Bửu chia sẻ, tiết kiệm lắm mới đủ 3 bữa no bụng nên ông rất mừng vì có chỗ lấy mì từ thiện, giúp trang trải phần nào khó khăn.

Chở mấy đứa con trên chiếc xe ba gác cũ, vợ chồng ông Hải (52 tuổi) dừng lại trước thùng mỳ. Sau chút ngần ngại, anh Hải xin nhận 5 ly mì cho các thành viên trong gia đình. Anh Hải cho biết, với 5 ly mỳ này, gia đình anh đã được ăn một bữa.

Không chỉ những người bán vé số, nhặt ve chai… tới, nhiều shipper cũng tranh thủ tạt qua đây ăn mỳ. Anh Nguyễn Thành An là một trong số đó. Anh An đến quán nhận đơn giao hàng, tranh thủ pha mỳ tôm dùng qua bữa. Anh bảo, 15 phút nghỉ trưa rất ngắn nên tìm gì đó ăn nhanh và tiết kiệm tiền. Thùng mỳ là tấm lòng thực sự của quán nên mới có thể duy trì được như vậy.

my-tu-thien-2-1718757896.jpg
Thùng mỳ đã được đặt khoảng 4 tháng nay (Ảnh: Ngọc Ngân)

Thùng mỳ tôm từ thiện này được một quán cơm tấm trên đường Ba Tháng Hai đặt đã được khoảng 4 tháng. Trên thùng kính trong suốt có tờ giấy in dòng chữ: "Mì gói từ thiện miễn phí cho người khó khăn, cơ nhỡ - Mỗi người 1 gói trong lúc đói". Đại diện quán cơm cho biết, thùng mỳ được đặt cố định vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, theo giờ mở cửa của quán.

Nhiều năm bán hàng ở trục đường lớn, ông nhận thấy nhiều người bán hàng rong, nhặt ve chai, bán vé số, phụ hồ… có cuộc sống rất khó khăn. Nhiều người phải nhịn ăn sáng vì không có tiền hoặc chỉ để tiết kiệm được chút tiền. Thế nên, quán đã đặt thùng mỳ với mong muốn góp phần nhỏ giúp đỡ họ. Tủ mỳ ra đời dành cho tất cả mọi người với điều kiện duy nhất mỗi người chỉ được nhận 1 gói.

Hàng ngày, ông cho 60 - 70 gói vào thùng, hết lại bỏ thêm. Ông chọn loại mì cốc để người dùng có thể pha tại chỗ, không cần bát đũa. Quán không thông báo trên mạng xã hội, nhưng 1 tháng nay, có người đã đăng hình ảnh thùng mỳ trên các diễn đàn nên lượng người đến nhận ngày một nhiều hơn, trung bình 50 người mỗi ngày.