TP. HCM: Thông tin cụ thể về 18 tuyến đường chính ngập mưa, triều cường

Đại diện Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Phan Anh, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Quốc Lộ 1A, Đặng Thị Rành, Hồ Học Lãm, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng.

Chiều ngày 9/5, TP. HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Tại đây, ông Lý Thanh Long - Chánh văn phòng Sở Xây dựng cho biết, tính đến năm 2023, TP. HCM còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa và 5 tuyến đường trục chính ngập do triều cường.

Cụ thể, 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Phan Anh, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Quốc Lộ 1A, Đặng Thị Rành, Hồ Học Lãm, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng.

5 tuyến trục chính ngập do triều gồm: Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

diem-ngap-ung-2-1715335524.jpg
Ông Lý Thanh Long - Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP. HCM (Ảnh: Thành Nhân)

Ông Long cho biết thêm, hiện nay TP. HCM đang chuẩn bị làm 3 dự án xây dựng, cải tạo đường để giảm ngập do mưa. Đó là các đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu), đường Nguyễn Văn Khối - Lê Văn Thọ, đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt). Kỳ vọng của các dự án này sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng của 4/13 tuyến đường.

Với các tuyến ngập do triều cường, TP. HCM phấn đấu hoàn thành và đưa vào vận hành dự án chống ngập do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư (hiện nay đã hoàn thành 93%). Thành phố kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ngập do triều cường ở cả 5 tuyến đường.

Ông Lý Thanh Long thông tin thêm, để giải quyết tổng thể vấn đề ngập úng tại các tuyến đường chính khi mưa xuống và triều cường, TP. HCM sẽ tiếp tục triển khai 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Thứ nhất, Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch.

Thứ hai, triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thứ ba, tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập.

Thứ tư, rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập. Cuối cùng, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước.

diem-ngap-ung-1-1715335419.jpg
Có khoảng 54% dân số, tương đương 10 triệu người tại TP. HCM thường xuyên phải chịu đựng cảnh ngập lụt (Ảnh: Đào Trang)

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ trong giai đoạn trước mắt, TP. HCM cần đảm bảo công tác thoát nước được tốt, hệ thống thông thoáng, góp phần giảm, xóa điểm úng ngập trong lúc chờ các dự án chống ngập hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các đơn vị cần tổ chức kiểm tra việc vận hành van ngăn, trạm bơm cố định để thoát nước, xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều cường, mở hướng thoát nước mới…

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, cửa xả, kênh rạch, lắp đặt bổ sung cống, lắp đặt cửa thu nước kiểu mới để tăng cường khả năng thoát nước. Song song đó, tăng cường kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng để có biện pháp, chế tài xử lý những trường hợp cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống.

Tại Hội thảo về phát triển công cụ số hỗ trợ quản lý điều tiết hoạt động mạng lưới xe buýt TP. HCM trong điều kiện mưa ngập đường diễn ra ngày 9/5, Tiến sĩ Thomas Aulig - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang tác động lớn đến môi trường, gây ra tình cảnh ngập lụt ở các đô thị lớn. Riêng tại TP. HCM, có khoảng 54% dân số, tương đương 10 triệu người thường xuyên phải chịu đựng cảnh ngập lụt.