Từ vụ xúc xích phơi nắng 7 ngày không ôi thiu đến nhức nhối đồ ăn bán trước cổng trường

Đường dây hơn 10 tấn xúc xích "bẩn" bắt đầu từ một hàng quán tại cổng trường học. Từ đây, lực lượng công an đã lần theo dấu vết, tìm được 5 - 6 đầu mối và kho chứa hàng. Lực lượng chức năng đã thí nghiệm để xúc xích ngoài trời nắng 7 ngày. Kết quả, xúc xích không bị bốc mùi, ôi thiu.

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Nhất là thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc tập thể với con số nạn nhân rất lớn xảy ra trên cả nước. Đáng quan ngại, rất đông nạn nhân trong những vụ ngộ độc này là trẻ em.

Như vụ ngộ độc bánh mỳ tại Long Khánh (Đồng Nai), nạn nhân bị nặng nhất là bé trai 5 tuổi. Qua thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), bé đã không thể qua khỏi.

Mới đây, tại hội nghị giao ban trực tiếp và trực tuyến về kết quả triển khai tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024 và các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Hà Nội, đại diện Công an TP. Hà Nội đã thông tin về một đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn” vừa bị bắt giữ.

xuc-xich-ban-1-1717584339.jpg
Một vụ phát hiện xúc xích bẩn của cơ quan chức năng

Đường dây này bắt đầu từ một hàng quán tại cổng trường học. Từ đây, lực lượng công an đã lần theo dấu vết, tìm được 5 - 6 đầu mối và kho hàng chứa hơn 10 tấn xúc xích "bẩn".

Lực lượng chức năng đã thí nghiệm để xúc xích ngoài trời nắng 7 ngày. Kết quả, xúc xích không bị bốc mùi, ôi thiu. Sản phẩm bị nghi ngờ có sử dụng formol (một loại hóa chất độc hại, thường được dùng khử trùng) để bảo quản. Lực lượng chức năng lo ngại, nếu số lượng xúc xích này được tiêu thụ hết tại các tiệm tạp hóa, cửa hàng trước cổng trường thì số lượng trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ rất lớn.

Cũng liên quan đến thực phẩm bẩn, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho hay, ngay trong chiều ngày 4/6, lực lượng quản lý thị trường đã bắt được hơn 1 tấn thực phẩm bẩn tại quận Tây Hồ.

Ông Kiên nhấn mạnh, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng nhiều nhưng số lượng người làm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lại rất mỏng. Nếu chỉ làm theo kiểu nay đến cửa hàng này, mai đến cửa hàng kia thì chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", không thể xử lý hết được.

Do đó, ông mong muốn người dân cũng như chính quyền địa phương cùng vào cuộc với cơ quan chức năng. Nếu thấy hàng quán bán xúc xích nướng, gà rán... không đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân có thể chụp ảnh gửi lực lượng chức năng các quận, huyện. Hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, người dân có thể gửi trực tiếp thông tin tới Cục Quản lý thị trường thành phố để xử lý.

xuc-xich-ban-2-1717584475.jpg
Đồ ăn trước cổng trường học tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc (Ảnh: Tùng Dương)

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội lại đề cập đến một khía cạnh khác về an toàn thực phẩm. Bà dẫn số liệu, 60% nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp cho người dân, nhưng việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ tạm, chợ cóc còn hạn chế. Trong số hơn 500 chợ trên địa bàn, thì mới có 22 trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Tỷ lệ này rất thấp.

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP. Hà Nội đã đưa ra ba nhóm giải pháp cần tập trung gồm: Thứ nhất, tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng. Thứ hai, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong trường học. Thứ ba, bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cần được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bởi các hoạt động vi phạm an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tầm vóc, giống nòi nên cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, ý thức từ cán bộ đến người dân, thay đổi thói quen và tư duy tiêu dùng. Để làm được điều đó, công tác tăng cường truyền thông và đẩy mạnh bổ sung kinh phí truyền thông, tổ chức các cuộc thi viết về an toàn thực phẩm... Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm cần được đẩy mạnh trong các nhà trường để giáo dục thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường các giải pháp quản lý chợ truyền thống, đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống giết mổ tập trung...