“Va chạm nhỏ, hậu quả lớn” khi thiếu kiềm chế trên đường

Nếu gặp phải tình huống bị hành hung sau va chạm giao thông, người dân nên tìm cách tránh xa khu vực nguy hiểm, có thể bỏ chạy, hô hoán hoặc kêu gọi sự trợ giúp từ những người xung quanh, thay vì cãi vã và xô xát, người tham gia giao thông nên giữ thái độ mềm mỏng, hợp tác, đồng thời hành xử dựa trên luật pháp.

Đánh người tử vong chỉ vì va chạm giao thông nhẹ

Thời gian gần đây, tình trạng ẩu đả, gây thương tích nghiêm trọng giữa người tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Vốn chỉ là những va chạm nhỏ, nhưng do thiếu kiểm soát cảm xúc và hành vi, các bên liên quan dễ dàng bị kích động, dẫn đến việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.

Hành vi này được coi là côn đồ, hung hăng, thiếu tôn trọng pháp luật và không có sự kiềm chế cần thiết. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dù nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng điều tra và khởi tố, nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tiếp tục diễn ra.

hanh-hung-1-1736079017.jpg
Anh N.T.B. bị đánh dã man sau va chạm giao thông

Điển hình, tối 30/12/2024, Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê An Giang) đã tấn công anh N.T.B. (SN 1986) sau một va chạm giao thông trên đường Mỹ Phước Tân Vạn (Bình Dương) khiến nạn nhân bị chấn thương nặng và tử vong do chết não.

Cùng ngày, chị Hoàng Thị Bình (quê Thanh Hóa, tạm trú phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP. HCM) - nhân viên gác tàu hỏa cũng đã bị đánh gãy xương mũi. Vụ việc xảy ra tại chắn gác tàu hỏa km1717+600 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh.

Khi đó, Nguyễn Thùy Trang (quê Bạc Liêu, tạm trú phường Hiệp Bình Chánh) điều khiển xe máy hiệu chở anh Ngô Thành Tiến (ngụ quận Bình Thạnh) lưu thông trên đường Kha Vạn Cân, hướng từ chùa Ưu Đàm ra đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Hiệp Bình Chánh.

Đến chắn gác tàu hỏa km1717+600 đường Kha Vạn Cân thì gặp tàu hỏa di chuyển từ TP. Thủ Đức về ga Sài Gòn. Lúc này, chị Hoàng Thị Bình đã đóng cần chắn hết hoàn toàn. Tuy nhiên, có thanh niên mặc áo grab (chưa rõ lai lịch) đã nâng rào lên để đôi nam nữ chạy xe vào hướng chùa Ưu Đàm.

Chị Bình có kêu nam thanh niên đó dừng lại thì xảy ra mâu thuẫn cãi nhau. Sau đó, Trang đã bực tức lao vào đánh chị Bình cho đến khi được mọi người kéo ra. Chị Bình phải tới Bệnh viện TP. Thủ Đức cấp cứu. Chị đã trình báo Công an phường Hiệp Bình Chánh và có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Trang.

Trước đó, vào ngày 18/12/2024, ông T. (50 tuổi) đã bị tài xế Quách Minh Nhựt (33 tuổi, quận 6, TP. HCM) hành hung sau khi ông nhắc nhở Nhựt về việc đậu xe gây ùn tắc trước Bệnh viện Từ Dũ.

Làm gì để bảo vệ bản thân?

Trước tình trạng này, đại tá Đỗ Cảnh Thìn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, một phần nguyên nhân dẫn đến xung đột giao thông là do thái độ của các bên liên quan.

Theo ông, cách ứng xử trên đường rất quan trọng, dù đôi khi cũng có những cá nhân mang thái độ hung hăng, không tuân thủ quy tắc. Khi gặp phải tình huống như vậy, người tham gia giao thông cần phải giữ thái độ bình tĩnh và xử lý mâu thuẫn dựa trên cơ sở pháp luật và sự văn minh. Lời nói, hành động và cử chỉ cần phải hợp lý, không gây thêm căng thẳng.

hanh-hung-2-1736079328.jpg
Đối tượng Quách Minh Nhựt làm việc với cơ quan chức năng sau vụ hành hung người trên đường

Ông Thìn cho hay, khi xảy ra va chạm giao thông, nếu một trong hai bên thể hiện thái độ thách thức hoặc không hợp tác, thì rất dễ dẫn đến xung đột. Vì vậy, quan trọng nhất là giữ thái độ hòa nhã, tránh những hành vi mang tính kích động. Việc tranh cãi, ẩu đả không giải quyết vấn đề mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tất cả các bên.

Nếu gặp phải tình huống bị hành hung, người dân nên tìm cách tránh xa khu vực nguy hiểm, có thể bỏ chạy, hô hoán hoặc kêu gọi sự trợ giúp từ những người xung quanh thay vì lao vào ẩu đả.

Trong trường hợp tự vệ, nạn nhân cũng có quyền bảo vệ bản thân, nhưng cần phải hành động với tinh thần tìm đường thoát khỏi nguy hiểm và tránh gây thêm thiệt hại. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi cụ thể để xử lý vụ việc.

Vị chuyên gia khuyến cáo, thay vì cãi vã và xô xát, người tham gia giao thông nên giữ thái độ mềm mỏng, hợp tác, đồng thời hành xử dựa trên luật pháp. Đây là cách hiệu quả để hạn chế những vụ xô xát trên đường phố.

Ông nhấn mạnh, người dân cần hiểu rằng nếu sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn thì không chỉ vi phạm pháp luật mà còn trái với đạo đức xã hội. Kết quả là họ sẽ phải đối mặt với những hình thức xử lý nghiêm khắc như xử lý hình sự, hành chính, phạt tiền, bồi thường thiệt hại hoặc thậm chí bị vướng vào vòng lao lý.

Việc sử dụng bạo lực chỉ mang lại sự thỏa mãn tạm thời về mặt tâm lý. Nếu người tham gia giao thông có thể kiềm chế hành vi và xử lý tình huống một cách bình tĩnh, họ sẽ biến những tình huống bất lợi thành cơ hội để ứng xử khôn ngoan và phù hợp hơn. Điều này đòi hỏi kỹ năng mà nhiều người hiện nay chưa có, thay vì phản ứng theo bản năng. Khi người dân ý thức được điều này, ứng xử trong xã hội sẽ trở nên văn minh hơn.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện - Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý Lumos cũng cho rằng, trong mọi tình huống có xung đột, nếu đối phương nóng nảy và có ý định gây sự, việc giữ bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn tình huống leo thang.

Trước hết, điều người dân cần làm là bảo đảm an toàn cho bản thân trong những tình huống này. Cần nhận thức rõ cảm giác khó chịu hay tức giận của chính mình và tránh phản ứng lại bằng những lời nói thô lỗ hay thái độ thách thức, vì điều này chỉ làm tình hình thêm căng thẳng.

Thay vào đó, hãy thể hiện rằng bạn đang lắng nghe để giúp đối phương giảm bớt cảm xúc tiêu cực. Tiếp đến, bạn có thể nhẹ nhàng nhắc nhở họ về việc giữ bình tĩnh và cùng nhau tìm ra giải pháp. Nếu cần thiết, có thể nhờ sự hỗ trợ từ người xung quanh hoặc cơ quan chức năng. Quan trọng là chúng ta cần nhớ rằng không phải tất cả xung đột đều phải có người thắng, mà mục tiêu chính là đảm bảo an toàn và duy trì sự tôn trọng lẫn nhau.

Trong trường hợp bạn gây ra lỗi, thái độ thành khẩn và chân thành nhận lỗi là cách cư xử đúng đắn nhất. Việc thừa nhận lỗi sai không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn giúp làm giảm căng thẳng cho đối phương. Bạn cũng nên chủ động đề xuất cách giải quyết hợp lý hoặc bồi thường nếu cần thiết, tùy vào mức độ sự việc. Tránh phản ứng phòng thủ, biện minh hay đổ lỗi, vì điều này chỉ làm tình hình thêm căng thẳng và mất thiện cảm.

Sự chân thành, khả năng nhận lỗi và sự trau dồi khả năng giải quyết vấn đề sẽ giúp mỗi người xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn và dễ dàng giải quyết các tình huống khó khăn.