Đường dây hụi hàng trăm tỷ
Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), một đường dây huy động vốn từ người dân đã hoạt động trong thời gian dài, với quy mô lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước, những người đứng đầu đường dây này bất ngờ tuyên bố vỡ nợ.
Theo đó, tối 18/10, hàng trăm người dân đã tập trung trước nhà bà B.T.N (56 tuổi, thôn Cộng Hòa) và bà T.T.H (57 tuổi, xóm Minh Thành), sau khi hay tin đường dây tín dụng đen tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, đã vỡ nợ. Bà T.T.H được cho là một trong những người đứng đầu đường dây này. Để đòi nợ, nhiều người dân đã mang loa đến trước cổng nhà bà T.T.H phát nhạc đám tang và hò hét ồn ào, nhưng không có kết quả vì cổng nhà bà luôn đóng kín.
Được biết, ban đầu nhóm của bà T.T.H trả lãi suất cao hơn ngân hàng, khiến nhiều người tin tưởng gửi tiền. Chị V.N.H. (xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long) cho biết, sau khi chồng qua đời sớm, chị một mình nuôi hai con nhỏ. Hơn 10 năm đi xuất khẩu lao động, chị tích cóp được một số tiền và gửi 1 tỷ đồng vào đường dây của bà T.T.H với lãi suất 1,5%/tháng.
Từ đầu tháng 10 đến nay, chị đã nhiều lần đến nhà bà T.T.H để đòi lại số tiền này nhưng không được. Ngoài bà T.T.H, chị H. còn gửi 620 triệu đồng cho bà T.T.V. (trú xã Quỳnh Long), nhưng hiện tại không thể liên lạc được với bà.
Bà B.T.T. (74 tuổi, xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long) cho biết, chồng bà vừa qua đời do bệnh tật, còn con trai lại bị bệnh tâm thần. Vài năm trước, bà đã bán một miếng đất được gần 500 triệu đồng. Bà đã gửi 140 triệu đồng cho bà T.T.H với lãi suất 2,1 triệu đồng/tháng. Bà đã nhiều lần đòi tiền nhưng không được. Đến hiện tại, bà không thể liên lạc được với bà T.T.H.
Ông B.C.H. (xã Quỳnh Long) cho biết, ông không chỉ gửi toàn bộ số tiền mình có vào đường dây huy động vốn, mà còn đi vay bên ngoài để gửi thêm để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất. Bắt đầu từ năm 2023, ông đã gửi 500 triệu đồng cho bà T.T.H. với lãi suất 1,5%/tháng. Thấy lãi suất gửi đều đặn hàng tháng, ông còn mở rộng đầu tư vào hai đầu mối huy động vốn khác là bà T.T.V và bà B.T.N. Tổng số tiền ông đã gửi vào 3 người này lên tới hơn 9 tỷ đồng.
Nhóm này còn huy động của cả những hộ khó khăn. Nhiều nạn nhân cho biết, vào các ngày Chủ nhật, những người đứng đầu đường dây thường nấu cháo từ thiện và phát gạo cho người nghèo, tạo dựng hình ảnh vỏ bọc là những người thành đạt và giàu có.
Ông Trần Văn Nguyện - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết, việc huy động vốn diễn ra rất bí mật nên chính quyền xã gặp khó khăn trong việc theo dõi. Còn ông Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, huyện đã giao cho công an nắm bắt thông tin và xem xét tính chất vụ việc để thực hiện các nghiệp vụ theo quy định. Đặc biệt, huyện cũng chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực có người dân kéo đến nhà các chủ nợ. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định.
Cảnh báo từ cơ quan chức năng
Trước vụ việc trên, nhiều vụ vỡ hụi tương tự cũng đã xảy ra. Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo để cảnh báo người dân khi tham gia hụi, họ.
Cụ thể, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật liên quan đến hụi, đặc biệt là về mức lãi suất tối đa không được vượt quá 20%/năm (tương đương khoảng 1,6%/tháng). Bên cạnh đó, cần nắm rõ điều kiện của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của thành viên, cũng như trách nhiệm pháp lý của cả hai bên.
Người dân nên tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ hụi để có thể yên tâm khi tham gia góp hụi. Hãy xem xét hoạt động của dây hụi mà bạn định tham gia; có thể yêu cầu chủ hụi cung cấp thông tin, sao chép hoặc kiểm tra sổ ghi hụi, số lượng người tham gia và số tiền góp. Đồng thời, cần tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ hụi cũng như các thành viên để đánh giá mức độ rủi ro, đồng thời hỗ trợ giải quyết tranh chấp nếu phát sinh.
Ngoài ra, nên lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận liên quan đến hụi. Nếu chủ hụi điều hành từ hai dây hụi trở lên hoặc số tiền góp từ 100 triệu đồng trở lên, họ phải báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để được rà soát, quản lý và phòng ngừa các vi phạm.
Khi phát hiện thông tin như nhiều dây hụi của chủ hụi bị vỡ hoặc có nhiều thành viên bỏ hụi, cần nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương để được nắm bắt và xử lý kịp thời.
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh Phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hoạt động góp hụi và gom hụi tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Khác với các hình thức cho vay hay tiết kiệm khác, chủ hụi không cần tài sản đảm bảo và thường đưa ra những phương án hấp dẫn về việc trả tiền hụi kèm thưởng để thu hút người dân góp tiền.
Nhiều chủ hụi không minh bạch thường quảng bá rằng việc góp hụi mang lại lợi ích nhanh chóng và an toàn. Qua nghiên cứu nhiều vụ vỡ hụi, giật hụi, có thể thấy rằng trong giai đoạn đầu, các chủ hụi thường thanh toán đúng hẹn, thậm chí còn thưởng thêm cho những người góp hụi, làm họ cảm thấy “ngon ăn”. Chính vì vậy, họ thường vay mượn thêm hoặc giới thiệu bạn bè, người thân cùng tham gia.
Tuy nhiên, khi đã gom được số tiền lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng, nhiều chủ hụi sẽ cắt liên lạc hoặc tuyên bố vỡ hụi để không phải trả tiền. Điều này khiến nhiều người lo lắng khi nhận thấy chủ hụi đột ngột tuyên bố vỡ hụi và ngắt mọi liên lạc.
Đại tá Thìn khuyến cáo, những ai có ý định góp hụi cần phải rất cẩn trọng, bởi không có hoạt động kinh doanh nào dễ dàng và nhanh chóng tạo ra lợi nhuận. Họ cũng cần nắm rõ thông tin về điều kiện và trách nhiệm pháp lý của chủ hụi. Nếu quyết định tham gia, hãy yêu cầu chủ hụi cung cấp thông tin minh bạch về sổ sách và thành viên góp hụi, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật về lãi suất. Phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường từ chủ hụi, người dân nên nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng.
Hụi, họ là hình thức huy động vốn cho vay và tiết kiệm tự nguyện, thường diễn ra một cách kín đáo giữa các cá nhân. Hoạt động này dựa trên niềm tin và các mối quan hệ cá nhân, mà không yêu cầu tài sản đảm bảo. Chủ hụi thường không cung cấp thông tin đầy đủ cho người tham gia.
Mặc dù pháp luật quy định rằng việc tham gia hụi, họ cần được thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng, nhưng thực tế cho thấy người tham gia chủ yếu dựa vào thỏa thuận miệng hoặc giấy tờ viết tay. Trong khi số lượng người tham gia đông, họ lại ít hiểu biết về nhau, cũng như thông tin về điều kiện kinh tế và mục đích của các chủ hụi.