Tại cuộc họp cho ý kiến, chỉnh lý dự án luật phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn (dự kiến thông qua vào tháng 10), Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có đợt giám sát về PCCC nhưng đến nay số cơ sở vi phạm với thời điểm đó đã tăng lên.
Có công trình không biết khắc phục thế nào
Ông Nguyễn Trường Giang dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy, đến nay mới chỉ xử lý được 1.487/7.187 công trình vi phạm ở 35 địa phương; các công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng, mới khắc phục được 2.964/11.007 công trình.
Đáng chú ý, có những công trình “không biết khắc phục thế nào” như dự án HH Linh Đàm với hàng chục tòa nhà vi phạm. Trong khi, trang thiết bị PCCC đa phần đều cũ, công tác duy tu bảo dưỡng chưa tốt, mật độ dân cư lớn, nhu cầu sử dụng điện cao.
Bên cạnh HH Linh Đàm, tại quận Hoàng Mai cũng có khá nhiều chung cư có tình trạng tương tự. Đơn cử như dự án Eco Lakeview (32 Đại Từ, phường Đại Kim) do Công ty CP Ecoland làm chủ đầu tư với mật độ dân số khoảng 8.000 người ở. Dự án đã bàn giao căn hộ cho người dân từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã thay đổi mặt bằng một số hạng mục không đảm bảo theo thiết kế đã được thẩm duyệt,nghiệm thu.
Tương tự, chung cư CT36 A&B (phố Trịnh Đình Cửu), hạng mục thang máy xuống tầng hầm đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tòa nhà chung cư Bắc, Trung, Nam Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Liệt); tòa nhà An Bình (số 1 ngõa 43 Kim Đồng); tòa nhà The Zen (phường Trần Phú)…cũng là những công trình trong danh sách vi phạm về PCCC.
Hồi cuối tháng 7, UBND quận Thanh Xuân cũng đã công bố danh sách 96 công trình vi phạm chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động. Trong danh sách trên có nhiều chung cư, văn phòng, công trình, nhà ở nhiều hộ gia đình (chung cư mini)…
Chẳng hạn, tòa nhà chung cư Star city (23 Lê Văn Lương); tòa nhà Licogi 13 (164 Khuất Duy Tiến); tòa nhà Văn phòng Lạc Hồng (85 Lê Văn Lương); tòa nhà Hie Tower (số 1 Ngụy Như Kom Tum); tòa nhà Việt Đức Complex…
Chuyển đổi công năng nếu không thể khắc phục
Từ những khó khăn của các dự án vi phạm nhưng đã và đang sử dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đã thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều về xử lý với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến 1/7/2025) và một điều về điều khoản chuyển tiếp chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng luật PCCC năm 2001 hoặc các nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố ban hành.
Theo đó, trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng của các công trình, UBND cấp tỉnh sẽ phân loại, lập và công bố danh sách không bảo đảm yêu cầu về PCCC và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, hoặc tại thời điểm đưa vào hoạt động.
Cùng với đó, căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng để tăng cường đảm bảo an toàn PCCC và chịu trách nhiệm về kết quả. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế, sẽ phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, phải rất thực tế và có khoảng thời gian nhất định để xử lý chứ không thể quy chung, không biết khoảng thời gian nào thực hiện. Cần có thời hạn tối thiểu để khắc phục đến khi luật có hiệu lực, nếu không sẽ dừng hết hoạt động các công trình vi phạm, nhất là với nhà ở kết hợp kinh doanh.