18.800 ca tử vong mỗi năm
Sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhận thức của cộng đồng đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nam giới trên 15 tuổi hút thuốc tại Việt Nam đã giảm từ 54% xuống còn 39%. Tuy nhiên, hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Tại các khu vực đông người như công viên, bệnh viện, bến xe, quán cà phê hay khi dừng đèn đỏ trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh người hút thuốc vô tư phì phèo nhả khói, bất chấp ảnh hưởng đến người xung quanh. Thậm chí, có phụ huynh còn hút thuốc lá, rồi nhả khói ngay trước mặt con trẻ. Hành vi này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của những người xung quanh khi phải chịu hút thuốc lá thụ động.
![hut-thuoc-la-thu-dong-1733743340.png](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2024/12/09/hut-thuoc-la-thu-dong-1733743340.png)
Ths.BS Nguyễn Hữu Hoàng - chuyên gia hô hấp, giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, mỗi điếu thuốc lá khi được châm lên sẽ tạo ra ba luồng khói: Một luồng đi vào phổi, một luồng từ đầu điếu thuốc cháy và một luồng từ hơi thở người hút nhả ra. Những người xung quanh sẽ hít phải 2 luồng khói phụ, dẫn đến tình trạng hút thuốc thụ động, khi họ hít phải khói từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói do người hút phả ra.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc hại gấp 21 lần so với khói thuốc mà người hút thở ra. Đặc biệt, trẻ em chỉ cần ở trong phòng có người hút thuốc trong một giờ cũng hấp thụ lượng hóa chất độc hại tương đương với việc hút 10 điếu thuốc. Khói thuốc có thể lan tỏa trong phạm vi 7 - 10 mét, vì vậy ngay cả khi ở xa người hút, người hít phải khói thuốc thụ động vẫn phải đối mặt với nguy cơ về sức khỏe.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, trong hơn 10 năm qua, dù tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2023 so với năm 2010: Tỷ lệ phơi nhiễm tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 23%, tại phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19% và tại gia đình giảm từ 73,1% xuống 45,6%.
Tỷ lệ phơi nhiễm này vẫn gây ra những gánh nặng lớn về bệnh tật và kinh tế. Ước tính mỗi năm, có khoảng 104.300 ca tử vong liên quan đến thuốc lá, trong đó 85.500 ca là do hút thuốc trực tiếp và 18.800 ca do hút thuốc thụ động.
Xây dựng thói quen phản đối và nhắc nhở
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, hiện nay nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ người bỏ thuốc lá đã gia tăng. Tuy nhiên, việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng thường xảy ra.
Nguyên nhân là do hành vi này thường diễn ra nhanh chóng và khó xác định được đối tượng vi phạm, vì vậy không thể kỳ vọng quá nhiều vào việc xử phạt. Do đó, quan trọng nhất là xây dựng dư luận xã hội, khi thấy người hút thuốc, mọi người phải phản đối và nhắc nhở, thay vì quay đi. Ban đầu chỉ một người lên tiếng, rồi sẽ có hai, ba người tham gia, dần dần sẽ tạo ra sức mạnh cộng đồng.
![hut-thuoc-la-thu-dong-2-1733743538.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2024/12/09/hut-thuoc-la-thu-dong-2-1733743538.jpg)
Thực tế, vào tháng 5/2022, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thử nghiệm ứng dụng (app Vn0khoithuoc) để ghi nhận vi phạm về hút thuốc lá nơi công cộng trong khu vực. Khi người dân phát hiện hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm cấm như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, công viên, bệnh viện, trường học, họ có thể gửi hình ảnh qua ứng dụng này để cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, quận Hoàn Kiếm chỉ nhận được 500 phản ánh từ người dân qua ứng dụng và đã xử phạt 16 trường hợp, với tổng số tiền phạt hơn 100 triệu đồng. Giải thích về nguyên nhân, ông Hoàn cho biết, việc xử phạt cần có căn cứ và chứng cứ rõ ràng. Những trường hợp có hình ảnh chi tiết, thông tin cụ thể về ngày, giờ, địa điểm đều bị xử phạt hành chính. Người dân cần cung cấp thông tin chi tiết thì cơ quan chức năng mới có đủ căn cứ để xử lý vi phạm.
Ông cũng chia sẻ, thực tế xử phạt hành vi này còn nhiều hạn chế. Một phần lý do là vì quận có không gian mở, đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, khiến công tác tuyên truyền gặp khó khăn. Thêm vào đó, khi người hút thuốc thấy lực lượng chức năng, họ thường tránh hút, nên không có đủ căn cứ để xử phạt. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra, xử lý còn mỏng, dẫn đến số vụ xử phạt rất ít.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn tồn tại ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính về vi phạm quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo nhiều chuyên gia, mức xử phạt này còn quá nhẹ. Để giải quyết tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, cần gia tăng các biện pháp xử phạt, đồng thời tăng thuế đối với thuốc lá...