Cúng Táo Quân bằng cá chép giấy: Tôn trọng truyền thống hay bắt kịp nhịp sống?

Vài năm trở lại đây, khi cúng ông Công ông Táo, nhiều người chọn mua cá chép giấy, sau đó hóa cùng với mũ áo, hia. Liệu thay đổi này có phù hợp với phong tục, truyền thống?

Đến cửa hàng chuyên bán đồ mã tại Hàng Khoai, chị Liên (Ba Đình, Hà Nội) mua bộ quần áo mã cùng 3 con cá giấy về cúng ông Công ông Táo. Đây là năm đầu tiền chị Liên mua cá giấy cúng thay cho cá chép thật. Chị Liên chia sẻ, cá giấy rất tiện và văn minh. Cúng xong, cá giấy được hóa luôn cùng với mũ áo, hia. Như thế không cần tốn công đi phóng sinh, không xả thải túi ni lông, quan trọng không cần lo thả xong, cá chết gây mất mỹ quan và ảnh hưởng môi trường.

Cúng ông Công ông Táo (hay còn gọi Táo Quân) được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp. Người Việt quan niệm ba vị Táo Quân (hay vua Bếp) định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và người trong gia đình. Chính vì thế, đây là một trong những lễ cúng được quan tâm nhất với mỗi gia đình những ngày cuối năm.

Phóng sinh cá chép sau khi cúng ông Công ông Táo

Theo truyền thống, cúng ông Công ông Táo ngoài mũ áo, hia thì cá chép sống là không thể thiếu. Bởi đây là phương tiện để ông Táo về trời. Tại sao phải là cá chép mà không phải bất kỳ loại cá nào khác? Với người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", rồng sẽ bay được lên trời. Vì thế, cá chép là “phương tiện” duy nhất giúp Táo Quân lên trời.

Ngày nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nơi không có ao, hồ sông, suối để thả cá chép, nếu có thì lại bị ô nhiễm bởi rác thải nên nhiều người đã quyết định chuyển sang dùng cá giấy để làm vật phẩm cúng ông Công ông Táo. Liệu việc này có ảnh hưởng đến phong tục truyền thống cúng Táo Quân?

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc và văn hóa phương Đông chia sẻ, cúng cá chép thật hay cá chép giấy chỉ là quan niệm do con người đặt ra. Ngay cả việc cúng cá chép sống ngày nay cũng khác với xưa.

Xưa kia khi cúng, người dân chọn những con cá có trọng lượng lớn để khi phóng sinh mới sớm “hóa rồng” bởi cá chép phải “hóa rồng” thì mới lên trời được. Còn ngày nay, cá chép cúng Táo Quân thường là loại được lai tạo, dù màu đẹp những lại nhỏ, được con người nuôi nên khó thích nghi được thả ra môi trường tự nhiên. Riêng việc cúng cá chép giấy thì lại mang ý nghĩa khác, giống như việc đốt vàng mã vậy.

Cùng quan điểm, chuyên gia phong thủy Linh Quang cho rằng, cúng cá chép giấy hay cá chép sống không thể nói được cái nào tốt hơn, cái nào ưu điểm hơn? Vấn đề ở đây là cái tâm tín ngưỡng của mỗi người, sự giác ngộ của từng cá nhân khi hiểu được bản chất của sự việc đến đâu, thấy điều gì là phù hợp và có chuẩn mực thì sẽ hành động theo khuôn khổ đó. Bỏ hay không bỏ tục phóng sinh cá chép không quan trọng bằng "ý thức", "thái độ", "hành vi" của người thực hiện.

Nhiều người chọn cúng cá giấy thay cá chép thật

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cần gì?

Theo phong tục truyền thống, mâm lễ cúng Táo Quân miền Bắc phải có những vật phẩm: Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng vàng nén; Cá chép để Táo Quân cưỡi bay về trời. Các lễ khác dựa vào điều kiện của từng gia đình có thể cúng lễ chay hay lễ mặn.

Mâm lễ cúng Táo Quân miền Trung thì có chút khác biệt miền Bắc ngoài ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân thì người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ.

Mâm cúng Táo Quân của miền Nam gồm có các món chủ đạo như: Nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc... kèm thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy”. Mâm cúng Táo Quân của miền Nam không cúng cá chép, cũng không cúng mũ áo thờ. Và người miền Nam thường cúng Táo Quân vào khoảng từ 20 giờ đến 23 giờ ngày 23 tháng Chạp.