Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group, từ năm 2025, doanh nghiệp sẽ chuyển mình sang phát triển các dự án nhà ở xã hội, biệt thự và nhà phố cao cấp. Dự án đầu tiên đánh dấu sự thay đổi này là K.Home New City tại thành phố mới Bình Dương, dự kiến ra mắt vào tháng 3/2025.
Nhiều kế hoạch đánh dấu sự chuyển mình
Dự án có diện tích 27 ha, vốn đầu tư 2.758 tỷ đồng, với gần 1.700 căn nhà ở xã hội, nhà phố và các tiện ích hiện đại như trường học quốc tế và công viên. Đây cũng là lần đầu tiên Kim Oanh hợp tác với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore), hứa hẹn tạo bước ngoặt lớn trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng chuẩn bị cho một năm bứt phá với dự án nghỉ dưỡng Selavia Phú Quốc tại Kiên Giang, rộng 290 ha, bao gồm biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, condotel và khách sạn cao cấp. Dự án này sẽ mở bán trong năm 2025, đồng thời khởi đầu cho chuỗi dự án khác tại Hội An, vịnh Vân Phong và Phan Thiết, tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. TTC Land kỳ vọng đưa mô hình nghỉ dưỡng này trở thành xu hướng mới tại Việt Nam.
Công ty Phát Đạt tiếp tục giữ vị thế trong phân khúc bất động sản phức hợp và nghỉ dưỡng. Dự án nổi bật năm 2025 của Phát Đạt là Khu đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định), triển khai trên diện tích 43 ha, và các dự án nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1, Thuận An 2 (Bình Dương), với gần 4.000 căn hộ cao cấp. Phát Đạt cũng sẽ ra mắt Dự án Cadia Quy Nhơn và Poulo Condor tại Côn Đảo, tập trung vào căn hộ du lịch và khách sạn. Tổng doanh thu từ năm 2025 đến 2028 được doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 45.000 tỷ đồng.
Phúc Khang Group bước vào năm 2025 với định hướng phát triển bền vững và chiến lược quốc tế hóa. Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc, Phúc Khang không chỉ tăng trưởng doanh thu mà còn tập trung vào phát triển bất động sản xanh, carbon thấp, hợp tác với các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Singapore và châu Âu. Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh chiến lược ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để khẳng định vị thế trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Trong khi đó, Khang Điền tạo dấu ấn với dự án khu công nghiệp đầu tiên tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), với quy mô hơn 100 ha. Đây là bước đi chiến lược giúp Khang Điền mở rộng lĩnh vực hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khu công nghiệp tại khu vực phía Nam.
Trong khi một số doanh nghiệp bất động sản đã chuẩn bị sẵn sàng bứt tốc cho năm 2025 với những dự án quy mô lớn, vẫn còn không ít cái tên đang vật lộn với những khó khăn pháp lý, chờ được tháo gỡ để thoát khỏi cảnh đình trệ. Hiện trạng này vẽ nên bức tranh đối lập trong ngành, khi những cơ hội tăng trưởng song hành cùng những thách thức tồn đọng.
Nhưng cũng nhiều nơi phải “xếp hàng” chờ “giải cứu”
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2024 là thời điểm mang đến kỳ vọng lớn cho những doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về pháp lý. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ công tác đặc biệt phối hợp với các địa phương, trong đó có TP.HCM, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Tổ Công tác 1435 của Thủ tướng đã chuyển đến TP.HCM 64 dự án cần xem xét giải quyết trong 10 tháng năm 2024. Đáng chú ý, UBND TP.HCM đã họp và xem xét tháo gỡ cho 34 dự án, trong đó 8 dự án đã được giải quyết, bao gồm Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty Quốc Lộc Phát, dự án Metro Star của Công ty Đầu tư Metro Star, và khu liên hợp Tân Thắng (Celadon City) của Gamuda Land.
TP.HCM hiện còn 26 dự án bất động sản tiếp tục được các sở, ngành xử lý, trong khi hơn 100 dự án khác vẫn bị “vướng mắc pháp lý”, chưa rõ ngày tháo gỡ. Những dự án này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường mà còn đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế ngặt nghèo.
Đơn cử, Công ty TNHH Gotec Việt Nam, chủ đầu tư một dự án căn hộ cao cấp tại quận 7, đã phải cắt giảm hầu hết nhân viên và hoạt động cầm chừng. Dự án của công ty bị thu hồi giấy phép xây dựng dù đã hoàn thiện phần hầm móng, do rà soát pháp lý liên quan đến quỹ đất chuyển nhượng từ Công ty Cảng Rau Quả. Tới nay, doanh nghiệp đã thiệt hại khoảng 1.052 tỷ đồng và sau nhiều năm cầu cứu, dự án vẫn "án binh bất động".
Tương tự, Tập đoàn Novaland đang đứng trước thách thức lớn với dự án 32 ha tại TP. Thủ Đức. Mặc dù phần móng hầm chung cư đã hoàn thành từ năm 2017, dự án vẫn phải dừng thi công do vướng mắc pháp lý. Dù đã nhiều lần xin tháo gỡ từ năm 2019, dự án vẫn chưa được giải quyết, và đây chỉ là một trong hàng chục dự án của Novaland đang chờ được “giải cứu”.
Công ty Phúc Khang cũng gặp cảnh tương tự với hai dự án chung cư tại quận Tân Phú và TP. Thủ Đức. Dự án tại quận Tân Phú đã trải qua 7 năm nằm chờ tháo gỡ pháp lý, trong khi dự án tại TP. Thủ Đức cũng "đóng băng" 5 năm nay. Đối với liên doanh TTC Land và Vietcomreal, dự án Charmington Iris vẫn chưa thể triển khai dù đã xây dựng xong phần hầm móng, do vướng mắc liên quan đến việc chuyển nhượng quỹ đất từ Tổng Công ty Bia Rượu Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco).
Ở góc nhìn tích cực, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc DKRA Group, nhận định năm 2025 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản có dự án chờ được “giải cứu”, nhờ sự thông qua của 3 bộ luật quan trọng: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Những thay đổi này được kỳ vọng không chỉ tháo gỡ vướng mắc pháp lý mà còn giúp điều tiết thị trường, kéo giảm đà tăng giá bất động sản.
Cũng theo ông Thắng, nhiều chủ đầu tư đang nỗ lực tái khởi động các dự án cũ và triển khai những dự án bị đình trệ. Thị trường dự kiến sẽ chứng kiến làn sóng hợp tác mạnh mẽ, khi các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất nhưng gặp khó khăn tài chính sẽ tìm đến những đối tác có dòng tiền, hoặc thực hiện liên kết, mua bán sáp nhập để tiếp cận các quỹ đất đẹp còn lại tại TP.HCM. Đây được xem là điểm nhấn quan trọng của thị trường trong năm tới.