Hàng nghìn xe kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu mỗi tháng: Chuyên gia đề nghị tăng hình phạt!

Hầu như tháng nào cũng có hàng nghìn xe vi phạm tốc độ, bị xử phạt thu hồi phù hiệu nhưng cả doanh nghiệp lẫn lái xe đều chưa có ý thức tự giác khắc phục. Nguy cơ mất an toàn giao thông từ những chiếc xe này là vô cùng lớn.

3 tháng đầu năm, qua trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 3.856 phù hiệu, biển hiệu của xe ô tô kinh doanh vận tải. Những phương tiện này có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km/tháng trở lên.

xe-vi-pham-toc-do-1-1717735352.jpg
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 3.856 phù hiệu, biển hiệu của xe ô tô kinh doanh vận tải (Ảnh: Hữu Chính)

Danh sách có nhiều phương tiện vi phạm tốc độ trên 1.300 lần. Điển hình, vào tháng 1/2024, xe container BKS 36H - 065.92 của Hợp tác xã ô tô Trường Hải vi phạm tốc độ 1.486 lần. Tháng 2/2024, xe hợp đồng của Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải T.H vi phạm tốc độ 1.364 lần.

Hợp tác xã Dịch vụ vận tải xe Đại Nam có tới 41 xe vi phạm. Cá biệt xe container BKS 29H - 691.67 vi phạm tốc độ tới 803 lần trong tháng 1/2024. Hợp tác xã vận tải xe Đô Thành cũng có tới hơn 90 phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu cùng một thời điểm. Trong đó, xe đầu kéo mang BKS 36H - 035.74 vi phạm tốc độ 1.133 lần.

Phần lớn phương tiện bị ghi nhận chạy quá tốc độ đều là xe tải, container, xe đầu kéo, xe hợp đồng… Đây là những loại hình phương tiện liên quan nhiều đến tai nạn giao thông thảm khốc thời gian qua. Điều này khiến nhiều người bày tỏ lo ngại, bất an khi tham gia giao thông cùng trên đường.

Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), 3 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã xảy ra 6.550 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.723 người và bị thương 5.246 người. Phương tiện gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất là xe máy, mô tô chiếm 56,82%. Đứng thứ 2 là xe tải, xe rơ-moóc với 19,4%. Tiếp đó là ô tô con, ô tô khách...

Nghị định 41/2024/NĐ - CP có hiệu lực chính thức từ ngày 1/6 , quy định các xe vi phạm lỗi quá tốc độ nêu trên sẽ bị thu hồi phù hiệu trong 30 ngày, tái phạm lần 2 sẽ bị thu hồi trong 60 ngày. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng nặng hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý, vận hành xe phục vụ kinh doanh vận tải.

xe-vi-pham-toc-do-1717735352.jpeg
Hiện chưa có quy định nào cho phép thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc tạm đình chỉ doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm tốc độ trong 1 tháng

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - chuyên gia giao thông, hiện nay mỗi doanh nghiệp vận tải đều phải có bộ phận đảm bảo an toàn giao thông, theo dõi phương tiện trên hệ thống trực tuyến, để kịp thời đưa ra các cảnh báo, yêu cầu tài xế không chạy quá tốc độ.

Thực tế, công tác này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức, nghiêm túc và hiển nhiên hiệu quả rất thấp. Hầu như tháng nào cũng có hàng nghìn xe vi phạm tốc độ, bị xử phạt thu hồi phù hiệu nhưng cả doanh nghiệp lẫn lái xe đều chưa có ý thức tự giác khắc phục. Nguy cơ mất an toàn giao thông từ những chiếc xe này là vô cùng lớn.

Bà Thuỷ cho rằng, cần thiết đình chỉ hoạt động, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh để tăng hiệu quả trong công tác kiểm soát qua thiết bị giám sát hành trình.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, tình trạng doanh nghiệp, lái xe chưa chấp hành nghiêm quy định bắt nguồn từ sự coi thường pháp luật, buông lỏng quản lý lái xe của chính doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đầu tiên, cao nhất với vi phạm. Do đó, cần thiết phải có quy định tạm đình chỉ hoạt động, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện chưa có quy định nào cho phép thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc tạm đình chỉ doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm tốc độ trong 1 tháng. Thực tế ghi nhận số lượng phương tiện vi phạm lớn nhưng chỉ có một số đơn vị vận tải chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu của các xe bị xử lý. Còn lại, nhiều đơn vị chưa chấp hành theo quy định.

Trước tình trạng này, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề nghị công an và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố phối hợp, chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường xử lý với các trường hợp vi phạm.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, xử lý hành vi không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội...

Phòng Quản lý vận tải được yêu cầu tạm thời chưa giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu với đơn vị kinh doanh vận tải khi vi phạm quy định mà không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu.