TP.HCM: Diễn biến bệnh sởi phức tạp khi 73% trẻ mắc chưa tiêm vaccine

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay, bệnh sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, trung bình 1 ca bệnh sẽ lây cho 12 - 18 ca khác. Bệnh sởi thông thường sẽ tự khỏi, nhưng một số trường hợp có diễn tiến nặng như viêm phổi, viêm não... đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng.

9 quận, huyện đủ điều kiện công bố dịch sởi

Chiều 12/8, Sở Y tế TP. HCM đã có cuộc họp trực tuyến giao ban với tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn để thống nhất các giải pháp phòng chống dịch sởi. PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, dù sởi không phức tạp như Covid-19 nhưng không thể xem thường.

Ông yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn triển khai ngay giải pháp phòng chống dịch sởi, không để lây lan, đặc biệt là trong bệnh viện. Các quận, huyện phải chủ động rà soát danh sách trẻ chưa tiêm vaccine, tổ chức tiêm cho trẻ để tăng miễn dịch cộng đồng.

soi-1723508085.jpg
Bệnh nhi mắc sởi được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Duyên Phan/Tuổi trẻ)

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết thêm, đầu năm 2024, thành phố không ghi nhận ca mắc sởi nào. Nhưng từ ngày 23/5 - 11/8, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố ghi nhận có 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Kết quả xét nghiệm, 346 ca dương tính với sởi. Trong đó, 50% số ca tại TP. HCM có 153 ca, còn lại đến từ các tỉnh khác.

Theo bà Nga, số ca sởi trên đã xuất hiện ở 57 phường, xã, 16 quận, huyện. Trong đó, 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh trở lên (đủ điều kiện công bố dịch). Đáng nói, từ năm 2021 đến 2023, toàn TP. HCM chỉ có 1 ca bệnh sởi.

Bệnh sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu

Bác sĩ Lê Hồng Nga thông tin, trong số các ca mắc sở vừa qua thì có tới 73% chưa được tiêm chủng mũi vaccine sởi nào, còn lại 12% không rõ tiền sử tiêm chủng. Hiện nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM không đạt tỉ lệ tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ vaccine sởi. Điển hình như năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 chỉ đạt 89,2% trên quy mô toàn thành phố, chưa có quận huyện nào đạt trên 95%.

Với tỉ lệ tiêm chủng mũi 2, từ năm 2019 - 2022 đều chưa đạt trên 95%. Có quận huyện 4 năm liên tiếp không đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%. Do vậy, không ngăn chặn được sự tấn công của dịch sởi.

soi-1-1723508085.jpg
Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi hiệu quả nhất

Bác sĩ Lê Hồng Nga nhấn mạnh, vaccine sởi đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng rất sớm. Vì vậy, các địa phương phải lập danh sách trẻ sống trên địa bàn để tiêm vaccine đầy đủ.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sởi lây qua đường hô hấp, trung bình 1 ca bệnh sẽ lây cho 12 - 18 ca khác. Bệnh sởi thông thường sẽ tự khỏi, nhưng một số trường hợp có thể diễn tiến nặng thành viêm phổi, viêm não... đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Nhất là, bệnh sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu. Để kiểm soát được dịch sởi trong cộng đồng, cần độ bao phủ vắc xin đạt trên 95%.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) cho biết, trẻ chưa tiêm ngừa sởi có 3 dạng: Đầu tiên là chưa đủ tuổi tiêm (trường hợp dưới 9 tháng tuổi). Thứ hai là trẻ đủ tuổi, nhưng đến lịch tiêm chủng thì nhiều cha mẹ không có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con cái, không nhận định được tầm quan trọng của việc phòng bệnh sởi nên quên đưa đi tiêm. Cuối cùng là những phụ huynh chủ động không cho con tiêm vì nhiều lý do như sợ trẻ có sức khỏe yếu tiêm vào sẽ bị biến chứng, theo trào lưu “bài vaccine”…

Bác sĩ Quy nhận định, thông thường dịch sởi sẽ quay trở lại theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Đợt dịch gần đây nhất xuất hiện tại TP. HCM là vào năm 2019, nên dịch sởi năm nay có thể diễn biến phức tạp. Tiêm vaccine là biện pháp duy nhất để phòng bệnh, từ đó không lây truyền cho những người xung quanh.