EU tiên phong thông qua bộ luật đầu tiên về AI trên thế giới

Nghị viện châu Âu vừa chính thức thông qua dự luật về trí tuệ nhân tạo (AI), trở thành đạo luật đầu tiên quy định về vấn đề đang được cả thế giới quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn e ngại về cách thực thi đạo luật thời gian tới.

Các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu (EP) mới đây đã có bước phê chuẩn cuối cùng đối với khuôn khổ pháp lý toàn diện nhằm kiểm soát AI, bao gồm các hệ thống AI mạnh mẽ như ChatGPT của OpenAI. Với 523 phiếu ủng hộ, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng, dự luật đã được thông qua tại phiên họp toàn thể diễn ra tại Strasboug (Pháp) ngày 13/3 vừa qua. Tuy nhiên, nó vẫn cần được cơ quan lập pháp của 27 quốc gia EU thông qua vào tháng tới trước khi được công bố trên Công bố chính thức EU vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Việc triển khai các quy định trong Đạo luật thời gian tới sẽ được thực hiện theo giai đoạn từ năm 2025.

ai-act-1710520435.png
EU tiên phong trong việc có một Đạo luật đầu tiên quy định cụ thể, toàn diện về trí thông minh nhân tạo (AI). (Ảnh minh họa)

Như vậy, đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý lớn mang tầm vóc khu vực đi đến quy định thống nhất chung để bảo vệ công dân khỏi các nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc cũng đã có những quy định riêng về AI, tuy nhiên chưa có luật riêng nào chính thức và sẽ được áp dụng rộng rãi như dự luật vừa được thông qua tại châu Âu.

Sau phiên họp toàn thể, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu là Roberta Metsola đã mô tả đạo luật mới là tiên phong, nói rằng nó sẽ tạo điều kiện cho sự đổi mới, đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản được thực thi: “Trí tuệ nhân tạo đã là một phần rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Giờ đây, nó cũng sẽ là một phần của luật pháp”, bà nói.

Mặc dù ca ngợi thỏa thuận, tuy nhiên cũng có nhiều người e ngại về các vấn đề có liên quan. Dragos Tudorache – một nhà lập pháp giám sát các cuộc đàm phán của EU về thỏa thuận cũng đã phải lưu ý rằng trở ngại lớn nhất của nó vẫn là thực hiện như thế nào.

Theo quy định, Cộng đồng chung Châu Âu (EC) đề xuất thiết lập bộ tiêu chí phân loại các hệ thống AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra đối với người dùng và các quốc gia. Các cấp độ được phân chia và cách xử lý bao gồm: Các ứng dụng có độ rủi ro không thể chấp nhận được sẽ bị cấm hoàn toàn; trong danh mục rủi ro cao sẽ bị kiểm soát chặt chẽ và các ứng dụng có mức độ rủi ro hạn chế, rủi ro thấp sẽ có quy định “dễ thở” hơn.

pyramid-7f5843e5-9386-8052-931f5c4e98c6e5f2-75757-1710520572.jpg
Đạo luật về AI của EU phân chia các ứng dụng với mức độ rủi ro khác nhau.

Về việc tuân thủ các quy định, những trường hợp không tuân thủ có thể sẽ bị phạt tối đa 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy thuộc vào mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm cũng như quy mô của các doanh nghiệp.

Nghị viện Châu Âu cũng đề xuất thành lập một Văn phòng AI để hỗ trợ việc áp dụng hài hòa đạo luật này, đồng thời cung cấp hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới.

Các công ty sở hữu những mô hình AI lớn như OpenAI (với ChatGPT) sẽ phải tuân theo những quy định được đề cập trong vòng 12 tháng kể từ khi dự luật chính thức được ban hành. Với các quy định khác có liên quan, thời gian cho các công ty chuẩn bị và thích ứng sẽ là 2 năm.

Thực tế, các quy định chung về AI đã được các nước châu Âu đề xuất lần đầu vào năm 2021 nhưng chỉ thực sự được tập trung vào năm 2023 sau khi ChatGPT ra mắt, kéo theo làn sóng chạy đua AI trên toàn cầu. Sau nhiều lần đàm phán, Nghị viện châu Âu và các nước EU đã từng bước đạt được các thỏa thuận về bộ quy tắc dự thảo vào tháng 12/2023 trước đó.

Bất chấp những tranh cãi trái chiều, đa phần giới chuyên gia đều cho rằng luật AI của EU là một bước ngoặt quan trọng, đưa khu vực này trở thành nơi dẫn đầu thế giới về công nghệ AI có đạo đức và lấy con người làm trung tâm, đồng thời vẫn đảm bảo việc thúc đẩy cạnh tranh và phát triển một cách minh bạch.