Đến lượt các dịch giả truyện tranh có nguy cơ mất việc vì AI

Với việc tận dụng trí tuệ nhân tạo, các bộ truyện tranh của Nhật Bản giờ đây có thể dễ dàng được dịch sang các ngôn ngữ nước ngoài mà không cần các nhà dịch truyện. Điều này có thể sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trên thị trường truyện tranh toàn cầu.

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với những bộ truyện tranh kinh điển, đã đi vào tâm trí của nhiều thế hệ độc giả trên toàn cầu, bao gồm các độc giả tại Việt Nam như bộ “Bảy viên ngọc rồng: (Dragon Ball), bộ truyện “Đảo Hải tặc” (One Piece), Conan, Doraemon,…

Hiện nay, mỗi năm cũng có hàng trăm bộ truyện tranh Nhật Bản và các nước khác được nhập về Việt Nam và cung cấp tới bạn đọc. Tuy nhiên, trong đó có không ít bộ truyện dù nội dung hấp dẫn nhưng lại rơi vào tình cảnh bị “drop” (dừng đột ngột) khiến người đọc hoang mang tiếc nuối. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến là thiếu dịch giả và kinh phí dịch.

truyen-tranh-1715315023.jpg
Nhiều bộ truyện tranh hấp dẫn nhưng lại bị "drop" bất ngờ vì thiếu kinh phí và người dịch.

Đây cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới, khi mà truyện tranh Nhật Bản đã có những ảnh hưởng nhất định.

Theo công ty khởi nghiệp Orange của Nhật Bản, hiện chỉ có khoảng 2% trong tổng số 700.000 cuốn truyện tranh mỗi năm của Nhật Bản được xuất bản sang tiếng Anh. Sự hạn chế này là do quá trình dịch thuật kéo dài và khó khăn, lượng dịch giả cũng hạn chế. Đó cũng chính là lý do vì sao, công ty đã sử dụng công cụ AI vào công tác dịch thuật để gỡ nút thắt khó khăn trong việc phổ biến truyện tranh Nhật Bản ra nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách mảng tiếp thị của Orange là ông Tatsuhiro Sato, việc dịch truyện tranh tiếng Nhật thử thách không ít dịch giả vì những câu đàm thoại trong đó thường rất ngắn, rất nhiều tiếng long. Tuy nhiên, với công cụ AI mới của công ty, có thể giúp Orange đặt mục tiêu xuất bản 500 cuốn truyện tranh bằng tiếng Anh mỗi tháng, gấp 5 lần công suất hiện nay và 50.000 cuốn truyện tranh trong 5 năm. Đầu tiên công ty mới chỉ đang thực hiện với tiếng Anh, các ngôn ngữ khác sẽ được áp dụng thời gian sau.

truyen-tranh-nhat-1715315119.jpg
AI sẽ trở thành công cụ dịch giúp phổ biến truyện tranh Nhật Bản ra nước ngoài nhanh hơn, nhiều hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nhà xuất bản nhưng lại thu hẹp công việc của các dịch giả.

Ai sẽ giúp công tác dịch thuật nhanh gấp 5 lần, với giá thành rẻ hơn 90% so với hiện tại. 

Công ty cũng đã huy động được nguồn tài trợ trị giá 2,92 tỷ yên (19 triệu USD) từ nhà xuất bản Shogankukan của nước này và 9 nhóm đầu tư mạo hiểm khác.

Công ty Orange cũng cho biết, với công cụ AI mới của mình sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà xuất bản trong việc chống lại các vi phạm về bản quyền trong ngành - ước tính trị giá 5,5 tỷ USD mỗi năm.

Việc đưa AI vào dịch thuật truyện tranh được các tín đồ kỳ vọng sẽ giúp phổ biến những bộ truyện tranh nổi tiếng, hấp dẫn nhiều  hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, với những bộ truyện đang “hot”, độc giả tại nhiều quốc gia, bao gồm tại Việt Nam cũng có thể được đón nhận đồng thời với tại Nhật Bản khi không còn phải mất thời gian quá lâu để chờ dịch giả thực hiện phần công việc của mình.

Tuy nhiên, cũng như những lĩnh vực khác, khi sự phát triển của AI đe dọa về việc làm của nhiều người,. Hiện nay, mối đe dọa đó đã bắt đầu lan sang lĩnh vực dịch truyện tranh. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn kỳ vọng nhìn thấy bóng dáng của các dịch giả trên mỗi bộ truyện tranh được bán ra. “Mỗi dịch giả sẽ có phong cách khác nhau, có thể khiến bộ truyện tranh trở nên thú vị hơn, hấp dẫn hơn, ngôn ngữ “trend” với người Việt hơn. Nếu dịch bằng AI, đơn thuần chỉ là chuyển ngữ, sẽ mất đi nhiều sự thú vị trong đó”, một fan truyện tranh Việt cho biết.